Ngày 26/5, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phải hủy buổi thử nghiệm nhà ở không gian bơm hơi đầu tiên trên Trạm Không gian quốc tế (ISS) khi không thể bơm căng ngôi nhà này lên kích thước tối đa.
Nhà ở không gian tên gọi BEAM là một phần của thí nghiệm xây dựng không gian sinh sống ngắn hạn cho các phi hành gia vũ trụ đang thực hiện nhiệm vụ thăm dò trên Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của NASA, sau 2 giờ bơm hơi, các chuyên viên đã thông báo rằng BEAM chỉ phồng lên vài cm cả chiều dài và đường kính.
Hình ảnh minh họa về mẫu nhà ở không gian bơm hơi. (Nguồn: NASA).
Theo đúng thiết kế, khi được thổi căng, BEAM có thể đạt kích thước dài 4m và rộng 3,2m.
NASA cho biết cơ quan này và tập đoàn không gian Bigelow Aerospace, đơn vị thiết kết BEAM, sẽ tổ chức họp báo trong ngày 27/5 để thảo luận về trục trặc trên và đưa ra phương án tiếp theo.
Theo người phát ngôn của NASA, phi hành đoàn trên ISS đều an toàn và BEAM cùng trạm không gian ở trong tình trạng ổn định.
Đây là lần thử nghiệm đầu tiên về triển khai mẫu nhà ở không gian bơm hơi do Bigelow Aerospace phát triển theo hợp đồng trị giá 18 triệu USD với NASA.
Theo kế hoạch ban đầu, các nhà du hành vũ trụ sẽ bắt đầu vào BEAM từ ngày 2/6 tới.
Mô hình mẫu nhà ở không gian bơm hơi. (Nguồn: NASA).
Phi hành đoàn của ISS sẽ vào BEAM vài lần một năm để thu thập dữ liệu từ các cảm biến cài đặt bên trong, từ đó xác định khả năng bảo vệ con người trước phóng xạ trong không gian của mô hình nhà ở này.
Nếu thành công, BEAM sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nghiên cứu thám hiểm vũ trụ khi cung cấp một mẫu nhà ở có thể thu gọn và tốn ít diện tích nhưng khi cần thiết có thể bơm căng để cung cấp không gian sống và làm việc rộng rãi.