PET/CT là phương pháp chụp ảnh kết hợp giữa chụp cắt lớp CT (Computed Tomography, dùng tia bức xạ X-quang để tạo ra hình ảnh) và PET (Position Emission Tomography, dùng chất phóng xạ liều nhỏ để ghi hình các vùng có tốc độ chuyển hoá - Metabolism - cao).
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K trả lời báo Sức khoẻ và đời sống của Bộ Y tế rằng vai trò chủ yếu của PET/CT là đánh giá giai đoạn ung thư hay mức độ lan tràn của bệnh, đặc biệt là đánh giá di căn, trên bệnh nhân đã có chẩn đoán mô bệnh học là ung thư.
Trên đối tượng chưa có chẩn đoán mô bệnh học ung thư, giá trị của PET/CT rất thấp. PET/CT cũng được sử dụng trong đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát, tiến triển sau kết thúc điều trị. Ngay cả với các vai trò này, thì giá trị chẩn đoán của PET/CT cũng không phải là 100%, nghĩa là PET/CT có thể rất nhạy trong phát hiện các tổn thương, nhưng mức độ đặc hiệu chỉ tương đối, nhiều trường hợp vẫn cần phải sinh thiết tổn thương để khẳng định chẩn đoán.
Ông khẳng định ý nghĩa, giá trị của một phương tiện chẩn đoán không nằm ở máy móc, thiết bị, mà cao nhất là ở người thầy thuốc vận dụng xét nghiệm hợp lý, tinh tế và phiên giải, nhận định kết quả thông minh, chính xác.
Quy trình chụp PET/CT như thế nào?
Mô hình chụp PET/CT của bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Nguyên lý cơ bản của kỹ thuật chụp PET/CT là ghi lại hình ảnh chuyển hóa trong tế bào (ở mức độ phân tử, mức độ tế bào).
Sau đó hình ảnh ghi lại bằng máy PET/CT sẽ cho chúng ta thông tin về các thay đổi chuyển hóa của tế bào tổ chức (bằng máy PET), vừa xác định được vị trí chính xác của tổn thương (bằng máy CT).
Để chụp PET/CT, bệnh nhân sẽ được tiêm tĩnh mạch một liều thuốc có phóng xạ positron, là một chất dẫn xuất glucose vì các tế bào ung thư sẽ hấp thụ và chuyển hóa nhiều glucose hơn các tế bào khác.
Sau khi được tiêm thuốc có phóng xạ, cơ thể sẽ phóng ra các tua gamma và máy PET/CT sẽ tính toán từ các tua gamma này để thu nhập hình ảnh từ các tế bào khác nhau của cơ thể.
Nhờ đó, những bất thường về chuyển hóa tại các tế bào sẽ được ghi nhận, ngay trước khi có sự thay đổi về cấu trúc.
Những bệnh nhân có nguy cơ cao đối với ung thư hoặc những bệnh nhân sau khi thử gene, thử máu phát hiện một số chỉ điểm về ung thư thì nên chụp PET/CT để kiểm tra.
PET/CT có thể phát hiện được khoảng 80% các loại ung thư vì việc tăng sinh hoạt động với glucose là phổ biến ở các tế bào ung thư, tuy nhiên, cũng có một số tế bào ung thư không tăng sinh hoạt động với glucose, chỉ tăng sinh hoạt động chuyển hóa chất khác như mỡ, đạm, thì có thể khó phát hiện.
Kỹ thuật này cũng hỗ trợ việc đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Chi phí chụp PET/CT tại các bệnh viện
Giá chụp PET/CT theo quy định của Bộ Y tế (dành cho bảo hiểm).
Theo Thông tư Liên tịch số: 37/2015/TTLT-BYT-BTC, ngày 29/10/2015 của Liên bộ Y tế - Tài chính, tại Phụ Lục III quy định: Giá dịch vụ Chụp PET/CT áp dụng từ ngày: 01/07/2016 là: 20,114,000 VNĐ/01 lần chụp.
Bệnh nhân chụp PET/CT có Bảo hiểm y tế (đúng tuyến), sẽ được bảo hiểm chi trả số tiền tối đa là 20.114.000 đồng. Phần chênh lệch giá bệnh nhân tự chi trả.
- Bệnh viện Bạch Mai: 23.000.000 đồng, áp dụng từ đầu tháng 2/2018
- Bệnh viện Việt Đức: 22.000.000 đồng, áp dụng từ ngày 1/7/2017.
- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: 22.000.000 đồng.
- Bệnh viện Ung bướu Hà Nội: 24.000.000 VNĐ (nếu có chỉ định thuốc cản quang là 24.500.000 VNĐ).
- Bệnh viện Vinmec: 26 triệu đồng.