Hai phi hành gia của tàu con thoi Endeavour đã hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian thứ hai trong dự kiến bốn chuyến vào tối 22.5, sau hơn 8 tiếng lơ lửng ngoài không gian, theo AFP.
>> Cận cảnh chuyến bay cuối cùng của tàu con thoi Endeavor
Phi hành gia Drew Feustel và Mike Fincke (cùng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - NASA) bắt đầu bước ra khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào lúc 13 giờ 5 phút ngày 22.5 (giờ VN) và hoàn tất các công việc của mình sau 8 giờ 7 phút (tức lúc 21 giờ 12 phút cùng ngày), kéo dài so với dự kiến hơn 1 giờ 30 phút.
Phi hành gia Andrew Feustel đang làm việc với cánh tay robot Dextre do Canada thiết kế
Ảnh: Reuters
Trong quá trình lơ lửng ngoài không gian, cả hai đã thực hiện bảo trì các thiết bị bên ngoài trạm như bộ phận chuyển động của tấm năng lượng Mặt trời, các cánh tay của robot Dextre do Canada chế tạo...
Trước đó, trong chuyến đi bộ ngoài vũ trụ đầu tiên được thực hiện ngày 20.5, các phi hành gia của tàu Endeavour cũng đã lắp đặt cho ISS các ăngten mới của hệ thống viễn thông không dây và nối dây cáp điện.
Vào ngày 21.5, các phi hành gia trên ISS cũng đã có cuộc nói chuyện xuyên không gian thú vị với Giáo hoàng Benedict XVI thông qua chat video. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên với các phi hành gia này, Giáo hoàng cho biết rất ngưỡng mộ lòng can đảm của các nhà du hành vũ trụ, và mô tả công việc của họ là "một cuộc phiêu lưu để khám phá nguồn gốc nhân loại".
Được biết, tàu Endeavour trong sứ mệnh cuối cùng của mình trước khi hết hạn sử dụng, mang theo phi hành đoàn gồm 6 người, đã đến kết nối với ISS vào ngày 18.5 vừa qua. Trước đó, tàu được phóng vào không gian tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ) ngày 16.5.
Tàu Endeavour nhìn từ ISS - Ảnh: Reuters
Sáu thành viên phi hành đoàn mang số hiệu STS-134 gồm năm người Mỹ và một người Ý là: chỉ huy trưởng Mark Kelly - chồng của chính trị gia Gabrielle Giffords, người bị thương trong vụ nổ súng tại Tucson, Arizona hồi đầu năm nay, phi công Gregory Johnson, các nhà du hành Michael Fincke, Greg Chamitoff, Andrew Feustel và phi hành gia đến từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Roberto Vittori.
Nhiệm vụ chính của chuyến bay kéo dài 16 ngày với bốn lần đi bộ ngoài khoảng không này là đưa một quang phổ kế từ AMS (Alpha Magnetic Spectrometer) lên vũ trụ nhằm nghiên cứu về phản vật chất và vật chất tối; đồng thời thay thế, sửa chữa các thiết bị làm lạnh, ăngten và các cánh tay robot của trạm...
Trạm Vũ trụ Quốc tế nhìn từ tàu Endeavour - Ảnh: Reuters
Sau sứ mệnh tàu Endeavour này, NASA sẽ còn thực hiện chuyến bay cuối cùng của tàu Atlantis vào đầu tháng 7 tới để chính thức khép lại chương trình tàu con thoi của mình kéo dài 30 năm với hơn 130 chuyến bay. Khi đó, việc đưa phi hành gia lên trạm vũ trụ của NASA sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đội tàu Soyuz của Nga cho đến khi họ "trình làng" tàu vũ trụ thế hệ mới.