Chuyện gì xảy ra nếu bay qua nơi xảy ra động đất?

Động đất có thể gây ra một số vấn đề cho máy bay chở khách thương mại, nhưng không phải do các sóng sinh ra khi mặt đất rung chuyển.

Nghe có vẻ khó tin, nhưng tùy vào tình huống, động đất có thể gây ra một số hậu quả khiến chuyến bay gặp rắc rối. Trước tiên, hãy tìm hiểu mối quan hệ giữa khí quyển và mặt đất.

"Mặt đất rung chuyển sẽ gây ra các sóng khí quyển cực nhỏ có thể truyền thẳng đến tầng điện ly", Attila Komjathy, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, cho biết. Tầng điện ly là một lớp khí quyển dày đặc các phân tử và hạt tích điện, bắt đầu từ khoảng 60 km và mở rộng đến độ cao khoảng 1.000km phía trên bề mặt Trái đất.


Hành khách trên máy bay chở khách thương mại không cần lo lắng nếu bay qua khu vực động đất. (Ảnh: IFL Science).

Như vậy, động đất có thể gây ra một số xáo trộn trong khí quyển, nhưng điều này có đủ khiến máy bay chở khách thương mại gặp sự cố hay không? Câu trả lời là không.

Động đất giải phóng sóng địa chấn dưới dạng sóng áp suất (sóng P) và sóng biến dạng (sóng S). Sóng S chỉ có thể truyền qua môi trường rắn (mặt đất), nhưng sóng P có thể truyền sang các môi trường khác như chất lỏng hoặc khí. Điều này đồng nghĩa, chúng có thể truyền tới khí quyển. Khi đó, chúng trở thành sóng âm với tần số thường dưới 20 hertz - ngưỡng thấp nhất mà con người nghe được - nên con người thường không thể nghe thấy chúng. Âm thanh có tần số dưới 20 hertz được gọi là hạ âm.

Càng di chuyển trong không khí, các sóng hạ âm càng yếu đi. Quá trình này được gọi là suy giảm. Về cơ bản, đó là quá trình khiến mọi thứ trở nên yên tĩnh hơn khi người nghe ngày càng cách xa nguồn âm thanh, hay làm ánh sáng Mặt Trời suy yếu khi truyền qua các lớp khí quyển hoặc môi trường khác, ví dụ như biển.

Đây là lý do tại sao máy bay bay qua nơi xảy ra động đất, kể cả động đất mạnh, cũng sẽ không cảm nhận được ảnh hưởng của những rung chấn bên dưới. Khi truyền qua đất đá, sau đó đến không khí, sóng P suy yếu đến mức bị lấn át bởi chính sự chuyển động và tiếng ồn của máy bay.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa máy bay hoàn toàn không gặp rủi ro khi động đất xảy ra. Vấn đề ở đây thuộc một loại khác, liên quan đến sự an toàn và điều hướng.

Trả lời một câu hỏi trên diễn đàn hỏi đáp Quora vào năm 2018, phi công kiêm kỹ sư hàng không của Không quân Mỹ Ron Wagner cho biết, ông từng lái máy bay trong một trận động đất ảnh hưởng đến việc kiểm soát không lưu. Cụ thể, trận động đất gây ra sự cố mất điện ở căn cứ mặt đất, dẫn đến vấn đề với các thiết bị điều hướng cũng như khả năng liên lạc của máy bay. Mất điện cũng đồng nghĩa, bộ phận kiểm soát không lưu mất tín hiệu radar và không thể định vị máy bay của Wagner. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và được giải quyết khi nguồn điện khẩn cấp của căn cứ mặt đất hoạt động.

Thông thường, trạm kiểm soát không lưu đều có đủ máy phát điện dự phòng khẩn cấp cho những tình huống như trên. Họ cũng đã chuẩn bị kỹ những phương án ứng phó khi xảy ra những thảm họa như núi lửa phun trào, bụi phóng xạ hạt nhân, lũ lụt, khủng bố và cả động đất. Do đó, hành khách không cần lo lắng nếu bay trong lúc động đất xảy ra bên dưới. Trong đa số trường hợp, hành khách thậm chí không biết động đất đã xảy ra cho đến khi hạ cánh.

Cập nhật: 16/05/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video