Trao đổi với PV qua điện thoại, GS.TSKH Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam khuyến cáo "không nên dùng nước khoáng để nấu ăn mà chỉ nên dùng nước sạch, tinh khiết".
GS Sung phân tích, các loại nước khoáng đã được xử lý và bổ sung các chất có lợi cho cơ thể gồm: magie, canxi, natri, kali... nếu dùng để nấu ăn, trước hết ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Khi nước nấu ở nhiệt độ cao sẽ tác động đến thành phần khoáng sinh ra cặn canxi, nattri... gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là những người thận yếu.
Nước khoáng chỉ dùng để uống, không đun nấu.
"Ngoài ra, các chất trong thực phẩm và thành phần khoáng của nước, khi đun ở nhiệt độ cao có thể xảy ra các phản ứng hóa học, không lường hết được tác hại", GS Sung nói và khuyên nước khoáng chỉ dùng để uống, không đun nấu. Với các loại nước tinh khiết có nguồn gốc đảm bảo an toàn, có thể nấu ăn hàng ngày vì nước này không chứa khoáng chất.
Hiện trên thị trường có nhiều loại khác nhau gồm nước (khoáng, suối, tinh khiết). Theo PGS. TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, các loại nước này khác nhau về thành phần khoáng chất, nguồn sản xuất và giá trị sử dụng. Trong đó nước khoáng có nhiều hàm lượng khoáng chất với hàm lượng ổn định, và phải có một số yếu tố đặc hiệu theo quy định tiêu chuẩn của thế giới hoặc Việt Nam.
Với nước tinh khiết không có thành phần vi khoáng. Nước suối nằm trong các tầng địa chất đặc biệt, có hàm lượng khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Nhưng hàm lượng này trong nước suối không ổn định, không cao còn được gọi là nước thiên nhiên tiệt trùng.
Theo bà An, khi sử dụng người dân cũng cần đọc nhãn mác để biết đó là nước tinh khiết hay nước khoáng và các thành phần có trong nước để sử dụng cho phù hợp.