"Cocaine hồng" là gì?

Cocaine hồng, hỗn hợp ma túy có thể chứa ketamine, thuốc lắc và ma túy đá, ngày càng được phát hiện nhiều hơn trong những năm gần đây.

Những điều cần biết về cocain hồng

Khác với tên gọi, cocaine hồng thường không chứa cocaine mà là một hỗn hợp ma túy. Màu hồng của loại ma túy này thường đến từ màu nhuộm thực phẩm hoặc đôi khi là hương dâu. Thành phần của cocaine hồng thường bao gồm ít nhất một loại ma túy kích thích và một loại thuốc ức chế, Guardian cho biết.

Các hợp chất phổ biến nhất là methamphetamine (ma túy đá), MDMA (thuốc lắc), ketamine (một loại chất gây ảo giác, biến dạng nhận thức), cũng như benzodiazepine, crack cocaine và caffeine.

Cocaine hồng thường được bào chế thành viên uống hoặc được nghiền thành bột. Loại ma túy này hiếm khi được dùng để tiêm.

“Hỗn hợp thường rất rẻ, điều thu hút người dùng”, tiến sĩ Linda Cottler, chuyên gia dịch tễ học chuyên nghiên cứu về lạm dụng ma túy tại Đại học Florida, nói với New York Times.


Cocaine hồng là loại ma túy nguy hiểm đang nhận được nhiều sự chú ý gần đây. (Ảnh: Loop).

Cocaine hồng có những tên gọi nào?

Những tên gọi khác của cocaine hồng có thể kể đến như tusi/tuci, cocaina rosada, tucibi, bột hồng, Eros và Venus. Tên gọi “tusi” đến từ hợp chất gây ảo giác 2-CB, lần đầu được “bố già thuốc lắc” Alexander Shulgin. Tuy nhiên giờ đây 2-CB hiếm khi được tìm thấy trong cocaine hồng, theo lực lượng thực thi pháp luật.

“Các nhà hóa học hoạt động ngoài vòng pháp luật thường cố gắng nghĩ ra những thứ họ nghĩ rằng mọi người sẽ thích”, tiến sĩ David E. Nichols, chuyên gia dược học tại Đại học Purdue, nói. “Có Chúa mới biết tác động sẽ thế nào”.

Cocaine hồng đến từ đâu?

Cocaine hồng lần đầu xuất hiện trên đường phố Colombia khoảng năm 2010 trước khi lan ra các vũ trường ở các nước Nam Mỹ khác như Argentina, Venezuela, Uruguay, Chile và Panama, theo Vice. Cocaine hồng cũng dần được ưa chuộng tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha. Theo một báo cáo về ma túy của Liên hợp quốc năm 2022, Anh, Áo, Thụy Sĩ, Canada và Đông Nam Á cũng đã phát hiện cocaine hồng.

Tại Mỹ, cocaine hồng cũng ngày càng phổ biến. Hồi tháng 9, Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) cho biết cocaine hồng đang được phân phối rộng rãi hơn, đa số được bán trực tuyến và qua mạng xã hội. Trong đánh giá quốc gia và mối đe dọa từ ma túy năm nay, DEA cũng cho biết băng đảng ma túy Sinaloa tại Mexico đang tăng cường sản xuất và buôn bán cocaine hồng.

Cocaine hồng tác động thế nào đến cơ thể?

Một số người sử dụng cocaine hồng trong các vũ trường để tăng cảm giác phấn khích. Trung tâm Điều trị Nghiện Anh (UKAT) cho biết loại ma túy này có thể gây ra ảo giác, khác với hiệu ứng kích thích đơn thuần của cocaine truyền thống. Những người dùng cocaine hồng cho biết họ vừa thấy phấn khích, vừa thấy ảo giác - bao gồm thay đổi nhận thức của các giác quan và biến động tâm trạng

“Khi so sánh với các loại chất kích thích khác như methamphetamine hay ma túy tổng hợp như thuốc lắc (MDMA), cocaine hồng cho cảm giác kết hợp đặc biệt giữa hiệu ứng kích thích và ảo giác”, UKAT viết trên website.

Người dùng cocaine hồng tương đối dễ bị quá liệu, UKAT bổ sung. Khi sử dụng trong thời gian dài, cocaine hồng cũng có thể gây đau tim, huyết áp cao, tăng nguy cơ đột quỵ, cũng như thay đổi hành vi, nghiện, lo lắng dai dẳng, buồn phiền và loạn thần.

Theo bà Bridget Brennan, công tố viên chuyên về án ma túy tại thành phố New York, cocaine hồng còn có vai trò như thuốc ngủ và đã được phát hiện trong một số vụ án cưỡng hiếp khi hẹn hò.

“Nó có thể được trộn với mọi thứ”, bà Brennan nói. “Nó có thể đưa mọi người tới cảm giác giống như trong một không gian trống, mất liên kết với cơ thể, mất liên kết với não và không biết điều gì đang xảy ra”.

Theo tiến sĩ Cottler tại Đại học Florida, cocaine hồng là một trong những loại ma túy nguy hiểm nhất do cả người bán lẫn người dùng đều hiếm khi biết rõ bên trong đó có gì.

“Chỉ cần một tay buôn ma túy trộn fentanyl vào một mẻ cocaine hồng, họ có thể đầu độc rất nhiều người”, ông Joseph Palamar, chuyên gia tại trung tâm y tế Langone Health thuộc Đại học New York, cảnh báo.

Cập nhật: 24/10/2024 Znews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video