Con chip cho phép bật PC từ xa

Máy tính tại chỗ làm của bạn đột nhiên chết cứng. Có thể do hỏng hệ điều hành, cũng có thể do virus đã phá hỏng ổ cứng. Tuy nhiên, trong tương lai, "sếp" của bạn sẽ có thể "sục" vào máy, trò chuyện trực tiếp với con chip từ xa, bật điện lên và sửa lại cỗ máy vô dụng gần như bất cứ lúc nào.

Được Intel giới thiệu lần đầu hồi năm ngoái, công nghệ này đã đánh dấu một bước thay đổi "tầm cỡ sóng thần" trong cách thức sửa chữa, bảo trì, nâng cấp và quản trị máy tính tại nhiệm sở.

Còn hiện tại, hãng chip số một thế giới đang tìm mọi cách đưa nó đến với thị trường tiêu dùng.

Đánh đổi sự riêng tư?

Intel đã vẽ ra một viễn cảnh toàn màu hồng trong tương lai, khi người dùng đăng ký một dịch vụ cho phép ISP của họ tự động cài đặt các miếng vá và cập nhật bảo mật, dù máy tính đang bật hay tắt.

Khi ngồi lại vào máy để làm việc hay giải trí, người dùng sẽ nhận được thông báo, kèm theo thông tin chi tiết về những phần mềm nói trên.

Về mặt nào đó, công nghệ này khá giống với dịch vụ OnStar của General Motors, vốn cho phép nhân viên điều hành ở tổng đại trợ giúp kỹ thuật mở hộ cửa xe trong trường hợp bạn quên khóa bên trong.

Intel hy vọng rằng người tiêu dùng sẽ đánh giá cao sự tiện lợi của một dịch vụ giám sát và hỗ trợ 24/24h kiểu này, tới mức bỏ qua các vấn đề hiển nhiên về bảo mật lẫn riêng tư cá nhân. Hãy thử tưởng tượng xem, có một người thứ ba (dù là được ISP giao quyền hẳn hòi) được phép tự do truy cập chiếc máy tính quý giá của bạn bất cứ lúc nào, từ bất cứ đâu?

Những người ủng hộ riêng tư cá nhân không mấy lo ngại về việc ứng dụng công nghệ này tại chỗ làm, nơi nhiều nhân viên dùng chung một máy tính là chuyện thường gặp.

Nhưng với người dùng cá nhân, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Liệu bạn có sẵn lòng mở cửa chỉ để đảm bảo máy tính của mình sẽ vận hành êm ả hay không?

"Cho người khác truy cập vào máy tính của mình: Đó là một quyền lực quá lớn. Máy tính lưu giữ khối tư liệu khổng lồ về cuộc sống cá nhân của mỗi người, vì thế, phải đảm bảo rằng người dùng hiểu rõ họ đang trao quyền lực đó cho ai, ở mức độ nào", ông Seth Schoen, chuyên gia công nghệ của Electronic Frontier Foundation cho biết.

Hoàn toàn "trung lập"

Phía Intel trấn an rằng công nghệ Active Management của họ chỉ cho phép các kỹ thuật viên xem được rất ít thông tin, dù đấy đều là thông tin "sống còn" của máy tính cả, ví như dữ liệu về cấu hình máy chẳng hạn. Hơn nữa, không phải kỹ thuật viên nào cũng có quyền sục sạo máy tính khách hàng từ xa.

Chỉ những Giám đốc IT có thẩm quyền trong mạng nội bộ của một doanh nghiệp mới sở hữu quyền này mà thôi. Mặt khác, ngay cả Giám đốc IT cũng không xem được toàn bộ các file dữ liệu hay kiểm tra history duyệt Web của nhân viên, vì chúng đều thuộc về phạm trù "Thông tin cá nhân riêng tư".

Họ chỉ có thể cài đặt những file đã biến mất hoặc bị hỏng, thậm chí là cài đặt lại toàn bộ hệ điều hành bằng cách khởi động hệ thống (ảo) trên một ổ khác.

"Bản thân công nghệ này hoàn toàn trung lập với vấn đề riêng tư cá nhân. Nó không biết bạn là ai và cũng chẳng quan tâm xem bạn làm gì", ông Mike Ferron-Jones, Giám đốc marketing cho nền tảng văn phòng số của Intel cho biết.

"Các chính sách cụ thể về quản lý máy tính nhân viên tại nhiệm sở sẽ phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp".

Những nhà sản xuất PC hàng đầu như HP và Dell, cùng với một số hãng bán lẻ như Best Buy đều cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ xa cho người tiêu dùng, với điều kiện máy tính phải đang bật và nối mạng. Tuy nhiên, công nghệ của Intel vươn tới một cấp độ tiếp cận cao hơn nhiều.

Cơ chế hoạt động

Trái tim của Active Management là một con chip "liên lạc" được cấy bên trong máy tính và con chip này hoạt động gần như không bao giờ nghỉ, miễn là máy tính còn pin hoặc có điện vào.

Khi kỹ thuật viên bắn tín hiệu liên lạc, con chip này sẽ liên hệ với chipset trong máy, bắc một nhịp cầu cho phép kỹ thuật viên truy cập các dữ liệu chủ chốt lưu trong chip nhớ (Những dữ liệu này được bảo toàn kể cả khi máy tính đang tắt).

Chipset sẽ có trách nhiệm gửi dữ liệu từ vi xử lý đến toàn bộ các bộ phận còn lại trong máy tính.

Hiện tại, công nghệ này mới chỉ có trong những mẫu desktop thuộc nhãn hiệu vPro và laptop dòng Centrino Pro của Intel mà thôi.

Intel cho biết hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang là khách hàng của công nghệ này, với từ 1000 - 10.000 máy tính đang được giám sát từ xa. Mặc dù vậy, số liệu thống kê về doanh số tiêu thụ vẫn chưa có, vì chúng chỉ mới được tung ra thị trường cách đây vẻn vẹn 3 tuần.

Ông Richard Shim, chuyên gia của hãng nghiên cứu IDC nhận định rằng Active Management sẽ giúp "Cơn ác mộng công nghệ" của các quản trị viên kỹ thuật nguôi ngoai, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Họ vừa khắc phục sự cố nhanh hơn, lại vừa tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp. Trong khi ấy, hiệu suất làm việc lại tăng lên vì một quản trị viên hệ thống có thể dễ dàng theo dõi và sửa chữa nhiều máy tính khác nhau.

Theo một nghiên cứu do Intel tiến hành đối với các doanh nghiệp đang ứng dụng Active Management Technology, tỷ lệ các kỹ thuật viên phải đến tận bàn nhân viên để khắc phục lỗi phần cứng đã giảm tới 60%, còn tỷ lệ tương ứng đối với lỗi phần mềm là... 91%.

Trọng Cầm

Theo AP, VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video