Con người làm hỏng môi trường từ 6.000 năm trước

Sự thay đổi mang tính bước ngoặt của hệ sinh thái trên Trái đất bắt đầu cách đây 6.000 năm khi con người gia tăng các hoạt động săn bắn, sử dụng đất nông nghiệp, dùng lửa, thuần dưỡng động vật và định canh, định cư.

Thay đổi quy luật tồn tại 300 triệu năm

Khó tưởng tượng một thế lực nào đủ sức thay đổi các quy luật tự nhiên vốn đã tồn tại trên Trái đất trong hơn 300 triệu năm. Tuy nhiên, một nghiên cứu ở Mỹ có tên "Đánh giá những thay đổi của tổ chức động, thực vật trong 307 triệu năm qua" đã cho thấy một sự thật: Môi trường sống trên Trái đất đã bị con người biển đổi từ 6.000 năm trước

Để đi đến kết luận kể trên, tiến sĩ Kathleen Lyons cùng cộng sự tại Bảo tàng Quốc gia lịch sử tự nhiên Mỹ đã phải nghiên cứu hơn 359.000 hóa thạch và các loài động vật hiện đại ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Phi. Họ nhận ra rằng, tuy phần lớn các loài phân bố một cách ngẫu nhiên ở các khu vực trên Trái đất song vẫn tồn tại một nhóm các loài có mối quan hệ đặc biệt với nhau. Mối quan hệ này thể hiện ở chỗ: Trong một môi trường có xuất hiện loài này thì chắc chắn loài kia cũng góp mặt.

Ví dụ như loài voi và hươu cao cổ thường sống cùng khu vực vì chúng có chung một môi trường sống, hay sư tử và ngựa vằn có quan hệ mật thiết giữa kẻ săn mồi và con mồi (nếu thiếu một thì kẻ kia cũng không thể tồn tại).

Qua nghiên cứu, thống kê, các nhà khoa học phát hiện ra rằng trong khoảng hơn 300 triệu năm, số cặp loài động vật có quan hệ đặc biệt như trên cùng tồn tại trong một môi trường lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Cụ thể, từ kỷ Than đá (khoảng 359,2 ± 2,5 triệu năm trước) đến đầu thế Holocene (11.700 năm trước), trung bình khoảng 64% số loài động vật có mối quan hệ đặc biệt với nhau.


Người Ai Cập cổ đại canh tác nông nghiệp từ hàng nghìn năm trước. (Ảnh: Morrowlife).

Tuy nhiên, 6.000 năm trước đây, khi con người bắt đầu gia tăng các hoạt động như săn bắn, sử dụng đất nông nghiệp, dùng lửa, thuần dưỡng động vật và định canh, định cư thì đã có sự thay đổi lớn xảy ra. Theo các nhà khoa học, lúc này chỉ có 37% các cặp loài có quan hệ đặc biệt với nhau.

Họ kết luận, các loài động vật trở nên tách biệt với nhau hơn, nghĩa là nơi tìm thấy một loài thì ít khả năng tìm thấy loài kia. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đã có rất nhiều cặp loài động vật nằm trong mối quan hệ đặc biệt với nhau suốt 300 triệu năm. Những mối quan hệ đó đã biến mất hoàn toàn, các loài sống hoàn toàn tách biệt trong khoảng 6.000 năm trở lại đây, khi nhân loại gia tăng các hoạt động của mình.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy con người có ảnh hưởng lớn đến môi trường trong một thời gian dài và bắt đầu định hình lại hệ sinh thái trên Trái đất từ khoảng 6.000 năm trước. Chúng ta đang sống trong nhiều khu vực có những loài động vật khác nhau cùng tồn tại. Khi các loài này không còn xuất hiện trong những khu vực đó nữa tức là chúng không thể sinh tồn ở những nơi con người đang sống. Điều đó có nghĩa là các loài động vật dễ bị tuyệt chủng hơn, bởi có ít các mối quan hệ giữa chúng. Và bởi vì phạm vi địa lý của chúng nhỏ hơn, mức độ đa dạng của chúng gần như chắc chắn cũng sẽ ít hơn" - tiến sỹ Lyons kết luận.

Con người làm thay đổi hệ sinh thái ra sao?

Có 5 thay đổi quan trọng trong hoạt động của con người được các nhà nghiên cứu coi là nguyên nhân chính dẫn đến những biến đổi của hệ sinh thái. Đầu tiên là sự gia tăng săn bắn trong thời kỳ đồ đá mới, khi con người sử dụng các dụng cụ bằng đá để bắt các con mồi ngày càng lớn hơn. Tiếp đến là sự thay đổi trong việc sử dụng đất nông nghiệp, bắt đầu từ khu vực Trung Đông rồi lan đến các nơi khác trên thế giới như châu Âu và Bắc Mỹ...

Sự thuần dưỡng động vật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi môi trường sinh thái. Việc con người tăng cường sử dụng lửa, lấy lửa để đốt rừng, tăng diện tích đất nông nghiệp hoặc sử dụng nó như là một vũ khí quan trọng trong hoạt động săn bắn... cũng tác động lớn đến môi trường.

Cuối cùng, tập quán định canh, định cư đã tạo ra các rào cản, thu hẹp môi trường sống của động vật. Con người - cả vô tình và cố ý - đã đẩy các loài động vật vào những môi trường mới.

Tiến sỹ Cindy Looy - một nhà sinh học tại Đại học California Berkeley, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết: "Sự suy giảm của các loài cùng cặp loài trong thế Holocen nhiều khả năng gây ra bởi sự gia tăng quy mô dân số của con người và là kết quả của việc sử dụng đất, canh tác nông nghiệp".

Trong khi đó, nhận xét trên tạp chí Nature, tiến sỹ Gregory Deitl - một chuyên gia đầu ngành của Viện Nghiên cứu cổ sinh vật học tại Ithaca, New York (Mỹ) - cho biết, nghiên cứu này đã nêu bật sự nguy hiểm của việc sử dụng thông tin quá khứ như một thước đo để dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai.

"Tôi đánh giá cao nghiên cứu này. Nó cho thấy nếu quá khứ và hiện tại là khác biệt, việc sử dụng quá khứ để dự đoán những sự thay đổi về hệ sinh thái rồi đặt ra các biện pháp ứng phó là không chuẩn xác. Chúng ta không thể sử dụng quá khứ như là một chỉ dẫn cho tương lai không chắc chắn" - ông Gregory Deitl cho biết.

Theo khoahocphattrien
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video