Con người sẽ ra sao nếu chỉ sống với 1 quả thận đến cuối đời?

Có người sinh ra đã chỉ có một quả thận, vì bệnh mà phải cắt bỏ thận, vì hiến tặng mà quyên hẳn một quả thận hay thậm chí là cắt bớt một quả thận đem bán để có tiền tiêu, mua iPhone X chẳng hạn,… vậy cuộc sống đến cuối đời của những người chỉ có 1 quả thận ra sao? Việc từ 2 quả thận như binh thường chỉ còn 1 quả thận sẽ có biến đổi thế nào tới cơ thể? Dưới đây là câu trả lời của các chuyên gia y học.

Theo phó giáo sư sinh lý học Mark A.W. Andrews tại Đại học y Lake Erie, đây là những câu hỏi khá thú vị, đặc biệt là hiện nay với tỷ lệ bệnh thận và nhu cầu hiến - nhận thận đang ngày càng tăng. Thống kê cho thấy tại Mỹ có khoảng từ 10 đến 15 ngàn ca ghép thận mỗi năm. Theo ông, phần lớn con người sinh ra là có 2 quả thận, cùng với 2 ống dẫn tiểu, bàng quang và niệu đạo làm nên hệ tiết niệu.

Thận có nhiều chức năng khác nhau, bao gồm cả ổn định huyết áp, tạo các tế bào hồng cầu, kích hoạt vitamin D và sản sinh ra glucose. Và hiển nhiên, nhiệm vụ hết sức quan trọng của thận chính là lọc các chất lỏng trong dòng máu, từ đó điều hòa thành phần các chất, pH và áp lực thẩm thấu của chúng. Lượng nước, các chất điện giải, ni tơ và những chất thải khác khi đã dư thừa đối với cơ thể sẽ được thận lọc bớt và đưa vào nước tiểu. Tựu chung, thận có nhiệm vụ duy trì sự ổn định và tối ưu hóa môi trường bên trong cơ thể.


Thận có nhiều chức năng khác nhau.

Theo giáo sư Andrews, sự sống con người sẽ cực kỳ khó khăn nếu thận bị mất chức năng. Tuy nhiên khác với phần lớn các cơ quan khác trong cơ thể, thận được ưu ái hơn khi con người được sinh ra với chức năng thận khá dư thừa. Trên thực tế, một quả thận với chỉ 75% khả năng hoạt động vẫn có thể duy trì tốt sự sống của một người.​

Mỗi quả thận có chứa 1,2 triệu đơn vị thận dạng ống (gọi là nephron) với nhiệm vụ thực hiện các chức năng cơ bản của thận, bao gồm cả điều chỉnh lượng nước và nồng độ các chất hòa tan bằng cách lọc máu, tái hấp thu những thứ cần thiết và thải bỏ những thứ còn lại trong dịch lọc. 20% lượng máu bơm từ tim sẽ được đưa tới thận để lọc. Mỗi ngày có khoảng 120 lít chất lỏng và chất hòa tan đi vào trong các đơn vị thận để nó thực hiện nhiệm vụ lọc.

Các đơn vị thận là những “chiếc máy lọc không phân biệt”, nghĩa là lọc mọi thứ ngoại trừ các tế bào lớn và protein. Tuy nhiên, chúng lại cực kỳ hiệu quả trong việc xử lý các chất lọc và những hợp chất quan trọng cho sự sống con người, chẳng hạn như nước, glucose, axit amin và chất điện giải vốn dĩ sẽ được trả trở lại tích trữ trong máu. Lượng nước thừa cùng các chất thải (bao gồm ure, creatinine, axit, bazơ, độc tố và các chất chuyển hóa thuốc) sau khi lọc bởi các đơn vị thận sẽ trở thành nước tiểu và thải ra ngoài.

Nếu chỉ còn có một quả thận, nó có thể tự điều chỉnh hiệu suất hoạt động để đảm bảo nhiệm vụ lọc như 2 quả. Lúc này các đơn vị thận trong quả thận còn lại sẽ tăng kích thước lên để bù đắp lại quá trình xử lý chất thải thừa. Sự tăng kích thước này được gọi là phì đại và các bác sĩ cho rằng nó sẽ không có tác dụng phụ ngay cả trong nhiều năm sau. Đặc biệt hơn, nếu một người sinh ra chỉ có 1 quả thận thì nó sẽ tăng kích cỡ lên tương đương với cân nặng của 2 quả thận (khoảng 435 gram).

Mặt khác, hệ tiết niệu cũng có sẵn cơ chế tự bảo vệ để duy trì sự sống trong tình huống chỉ còn một quả thận. Kể từ tuổi 40, các đơn vị thận sẽ dần bị mất chức năng với tốc độ 1% mỗi năm, khi đó, các đơn vị thận “còn sống” sẽ có xu hướng phình to ra để bù đắp lại sự thiếu hụt và hoàn thành nhiệm vụ như bình thường. Các bác sĩ đã tìm được nhiều bằng chứng cho thấy việc hiến thận rất hiếm khi gây ra tác động tiêu cực về mặt dài hạn, điển hình là những người hiến tặng sau 30 năm vẫn có chức năng tiết niệu hoạt động tốt. Trên thực tế, nguy cơ lớn nhất khi hiến ghép thận chính là thực hiện phẫu thuật không đảm bảo hoặc có sai sót trong quá trình bảo quản,…


Hệ tiết niệu cũng có sẵn cơ chế tự bảo vệ để duy trì sự sống trong tình huống chỉ còn một quả thận.

Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trên mặt lý thuyết đối với một người hiến thận có sức khỏe tốt ngay cả trước và sau khi hiến thận. Đối với những người chỉ còn một quả thận để sống, các bác sĩ luôn khuyên rằng nên giữ chế độ ăn lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, uống đủ nước và thường xuyên thăm khám tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế về tình hình sức khỏe. Mặt khác, những người sống với một quả thận được khuyến cáo là nên quan tâm nhiều hơn tới việc kiểm soát huyết áp, theo dõi hoạt động lọc của thận thường xuyên hơn, đảm bảo dung nạp protein một cách hợp lý. Đặc biệt hơn, do quả thận còn lại có xu hướng to và nặng lên nên từ đó cũng dễ bị tổn thương hơn, bởi thế trong một số môn thể thao hoặc hoạt động đặc biệt phải có sự tư vấn của bác sĩ.

Tóm lại, trên mặt lý thuyết thì con người vẫn sống khỏe mạnh chỉ với một quả thận bởi nó có thể tự biến đổi để đảm bảo hoạt động hiệu quả trong hệ tiết niệu như lúc có 2 quả thận. Tuy nhiên, người sau khi hiến hoặc bán thận phải tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ ăn uống, luyện tập thể thao và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để nhận được sự tư vấn kịp thời từ bác sĩ, từ đó có sức khỏe được duy trì như người bình thường. Nếu có vấn đề phát sinh với quả thận còn lại, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm và tử đó việc chữa trị cũng có hiệu quả cao hơn.

Cập nhật: 15/09/2017 Theo Tinh Tế
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video