Các nhà khoa học mong muốn tạo ra những con lợn không chỉ nội tạng có thể cấy ghép an toàn cho con người, mà tế bào, máu hay da đều có thể dùng để chữa các bệnh khác nhau.
Các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đang nghiên cứu để cấy ghép giác mạc lợn cho con người trong năm tới.
Một số nhóm ở Mỹ cũng đang dự định thử nghiệm lâm sàng với nội tạng lợn trong vài năm tới. Nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston sẽ thử nghiệm trên 6 người phương pháp “đắp chăn” bằng da lợn để bảo vệ tạm thời da bị bỏng.
Wenning Qin, Giám đốc Kỹ thuật gene ở công ty khởi nghiệp eGenesis, đang quan sát các tế bào chỉnh sửa gene dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Tony Luong/The Guardian).
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Alabama - Birmingham (UAB) đang lên kế hoạch ghép cật lợn cho người trưởng thành và ghép tim cho trẻ sơ sinh.
Nhà khoa học Wenning Qin, Giám đốc Kỹ thuật gene ở công ty khởi nghiệp eGenesis, Cambridge cũng cho biết họ đang tiến hành chỉnh sửa gene trên tế bào lợn. Mục tiêu của họ, cũng như của rất nhiều công ty công nghệ sinh học về kỹ thuật di truyền khắp nước Mỹ và châu Âu, là tạo ra những con lợn có nội tạng có thể cấy ghép an toàn cho con người.
Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch ghép cật lợn cho người trưởng thành và ghép tim cho trẻ sơ sinh.
“Tôi nghĩ rằng đây là kỳ tích trong lĩnh vực cấy ghép từ động vật”, William Westlin, phó chủ tịch điều hành eGenesis cho biết, “Không còn câu hỏi "có thể hay không". Bây giờ là câu hỏi ‘khi nào có thể’”.
Từ lâu các nhà khoa học đã theo đuổi ý tưởng cứu sống con người bằng cách sử dụng các bộ phận từ động vật, gọi là “xenotransplantation”. Tuy nhiên các thí nghiệm ban đầu đã cho thấy cơ thể chỉ mất khoảng năm phút để đào thải các nội tạng khác loài.
Để cấy ghép cật, tim hay phổi lợn cho con người, phải làm sao để hệ miễn dịch của con người không được nhận ra bộ phận đó đến từ một loài khác. Bằng công nghệ chỉnh sửa gene Crispr, các nhà nghiên cứu có thể cùng lúc thay đổi gen ở nhiều bộ phận khác nhau. Crispr đang được eGenesis sử dụng để loại bỏ khỏi bộ gene lợn một nhóm virus có thể lây sang người sau khi cấy ghép. Họ cũng đang nghiên cứu loại bỏ các dấu hiệu tế bào ngoại lai để hệ miễn dịch của con người không phản ứng đào thải.
Các nhà khoa học đã từng thử nghiệm nội tạng của lợn biến đổi sinh học trên các loài linh trưởng không phải con người. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ năm 2017 có ghi nhận một con khỉ đầu chó có thể sống đến ba năm với một trái tim lợn hoạt động song song với tim của chính nó.
Một nghiên cứu gần đây của bác sĩ tim Bruno Reichart từ bệnh viện đại học Munich cũng cho thấy, động vật sống được lâu nhất là khỉ đầu chó, sáu tháng với chỉ trái tim được cấy ghép từ lợn đã chỉnh sửa gen và sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để giảm đào thải.
Các tấm hóa mô miễn dịch từ thận lợn trong phòng thí nghiệm sinh học phân tử tại eGenesis.
Tiềm năng của công nghệ mới này là rất lớn. Ngay bây giờ, 75.000 người ở Mỹ đang chờ ghép nội tạng và khoảng 20 người chết mỗi ngày vì không tìm được nội tạng. Đồng thời, có 6.000 người ở Anh cũng đang chờ nội tạng cấy ghép. Thay vì phải chờ người hiến tạng qua đời mới có thể tiến hành lấy nội tạng và cấy ghép, nội tạng và tế bào lợn là không giới hạn. Bác sĩ Devin Eckhoff từ UAB cho biết, ông có thể tạo ra 50 con lợn để cấy ghép trong vòng 9 tháng. Các nội tạng có sẵn đó có thể cứu được rất nhiều sinh mạng.
Lợn để cấy ghép không chỉ cung cấp nội tạng, mà còn tạo ra các tế bào đảo tuyến tụy cần cho những người bệnh đái tháo đường. Máu lợn có thể truyền người bị thương và người bệnh mãn tính như thiếu máu hồng cầu hình liềm. Da lợn cũng có thể đắp vào vết thương, dễ tìm hơn và kinh tế hơn so với lấy da từ người chết. Lợn còn được dùng tạo ra tế bào sản xuất chất dẫn truyền thần kinh (dopamine) để cấy cho người bệnh Parkinson.
Cho dù nội tạng lợn không thể tồn tại lâu trong cơ thể con người, nó sẽ có thể giúp người đó có thêm thời gian. Hiện nay, trẻ sơ sinh phải chờ đợi ghép tim trong hơn ba tháng với tỷ lệ tử vong trên 50%, bác sĩ tim David Cleveland từ UAB cho biết.
Người trưởng thành có thể sống chờ ghép tạng nhờ những trái tim nhân tạo, nhưng trẻ sơ sinh lại không có thiết bị như vậy. Tim lợn có thể dùng để giữ cho trẻ khỏe mạnh cho đến khi có được tim người. Ông cũng hy vọng rằng hệ miễn dịch chưa trưởng thành của trẻ sơ sinh giúp tim lợn được chấp nhận dễ dàng hơn.
Trong năm nay, các nhà nghiên cứu ở UAB hướng đến mở rộng chăn nuôi tại cơ sở vô trùng của họ, để đáp ứng cho thử nghiệm thí điểm và thử nghiệm nhỏ trên người. Tuy nhiên họ cũng lo lắng về cách công chúng nhìn nhận phương pháp cấy ghép từ nội tạng động vật này.
Tất cả thí nghiệm trên loài linh trưởng bị các nhà hoạt động về quyền động vật phản đối. Nhiều người cũng do dự trước việc hy sinh động vật để làm thí nghiệm và lấy nội tạng, ngay cả khi chúng được sử dụng để cứu mạng con người.