Con tàu bị nguyền rủa và kho báu mất tích

Các nhà nghiên cứu và thợ lặn đã bắt đầu khám phá những bí mật bên dưới con tàu bị nguyền rủa mang tên Thần Chiến tranh, niềm kiêu hãnh của hải quân Thụy Điển vào thế kỷ 16, đã bị chôn vùi dưới lòng biển sâu suốt 450 năm qua.

Nó là con tàu chiến lớn nhất và hùng mạnh nhất trong lịch sử hải chiến thế giới, được đặt tên theo Thần Chiến tranh của thần thoại La Mã. Tuy nhiên, trong cuộc chiến đẫm máu ở biển Baltic vào năm 1564, Mars bị đánh chìm, chôn theo 800 đến 900 thủy thủ Thụy Điển và Đức xuống nấm mồ biển cả, cùng kho tàng chứa đầy đồng vàng và bạc. Giờ đây, sau vài năm kể từ khi tìm được vị trí con tàu, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng Mars là một trong những xác tàu chiến khổng lồ đời đầu được bảo quản tốt nhất dưới đáy đại dương.

Giới sử gia hải chiến nắm nhiều thông tin về các tàu chiến thế kỷ 17, nhưng lại có ít dữ liệu về chiến thuyền trước đó một thế kỷ, theo tạp chí National Geographic dẫn lời Johan Ronnby của Đại học Sodertorn tại Thụy Điển, chuyên gia đang nghiên cứu xác tàu dài đến 60m. “Đây là mối nối bị đứt đoạn lâu nay”, theo chuyên gia này. Những năm 1500 là giai đoạn quan trọng vì đó là thời điểm các tàu chiến 3 cột buồm bắt đầu ra khơi. Các nhà nghiên cứu đã trục vớt hàng hóa trên các chiến thuyền đời đầu gọi là thuyền buồm “galleon”, cũng như các mảnh của những con tàu nổi tiếng như soái hạm Mary Rose của Anh, bị chìm trong lúc tham chiến vào năm 1545. Tuy nhiên, chưa bao giờ họ tìm được xác tàu nào được bảo quản hoàn hảo sau gần 5 thế kỷ như Mars.


Xác tàu chiến Mars bị mất tích gần 500 năm tại biển Baltic - (Ảnh: Ocean Discovery)

Được biết, những người săn lùng kho báu, các nhà khảo cổ học và những người cuồng nhiệt với lịch sử luôn truy tìm tung tích của tàu Mars trong nhiều thế kỷ. Mọi nỗ lực đều công cốc, cho đến năm 2011, khi một nhóm thợ lặn phát hiện một xác tàu nằm sâu dưới 75m nước ở vùng biển Baltic. Trước đó, con tàu luôn được bao phủ bởi một huyền thoại cho rằng một bóng ma cuồng nộ từ địa ngục luôn canh giữ niềm kiêu hãnh của hải quân Thụy Điển, chống lại những kẻ có ý đồ trục vớt con tàu. Phải mất 20 năm đội thợ lặn chuyên nghiệp của Công ty Ocean Discovery mới tìm được dấu tích con tàu trên.

Để tránh gây tổn thất cho xác tàu, cũng như cắt giảm chi phí đắt đỏ sẽ phát sinh nếu trục vớt, các chuyên gia quyết định giữ nguyên vị trí hiện nay của Mars trên thềm biển, và thay vào đó sử dụng thiết bị quét 3 chiều và ảnh chụp nhằm chia sẻ khám phá của họ cho phần còn lại của thế giới. Công tác quét tia laser xác tàu dự kiến sẽ được hoàn tất trong hè này, với độ chính xác lên đến 2mm, đủ để thỏa mãn hầu hết các nhà nghiên cứu. Đồng thời, nhờ vào những công cụ và phương pháp mới, các nhà khảo cổ học có cơ hội tái tạo những thời khắc cuối cùng của con tàu và những sinh mạng bị chôn cùng nó.

Mars đã gặp nạn trong cuộc chiến với quân Đức vào ngày 31/5/1564, ngoài khơi hòn đảo Oland của Thụy Điển. Điều ấn tượng là con tàu không bị đánh chìm do thiết kế có nhược điểm hay kỹ thuật lái tàu không tốt. "Mars là một cỗ máy chiến tranh thực sự và đặc biệt thể hiện cực tốt khi tham chiến", theo các chuyên gia Thụy Điển, đó là chưa đề cập đến khoản nhu yếu phẩm theo tàu, trong đó có 8 loại bia khác nhau. Soái hạm này mang theo hỏa lực vô đối vào thời của nó, có thể là 107 hoặc 173 khẩu pháo đủ mọi kích thước. Tuy nhiên, đây cũng là điểm chí mạng của con tàu. Khi Đức rót pháo vào tàu Mars, lửa bắt vào thuốc súng và khiến các khẩu pháo nổ tung liên hoàn, và con tàu bị chìm do hỏa lực quá mạnh của chính nó.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video