"Công dân thứ 7 tỷ" chỉ là con số tượng trưng

Việc thế giới chào đón em bé thứ 7 tỷ hôm nay chỉ là hành động mang tính biểu tượng, bởi dân số thế giới hiện nay có thể thấp hơn hoặc cao hơn 56 triệu so với con số khổng lồ này.

>>> Dân số thế giới sắp đạt ngưỡng 7 tỷ người

National Geographic cho biết, về lý thuyết, dự đoán dân số của một nước là công việc khá đơn giản. Bạn chỉ việc lấy dân số của mỗi nước trong lần điều tra dân số gần nhất trừ đi số người qua đời rồi cộng số người mà bạn nghĩ là sắp chào đời. Sau đó bạn lấy kết quả trừ đi số người ra khỏi đất nước rồi cộng với số người nhập cư.

Nhưng trong thực tế, công việc dự đoán dân số phức tạp hơn nhiều. Đó là nhận định của Richard Kollodge, biên tập viên cao cấp của các báo cáo về tình trạng dân số thế giới do Liên Hợp Quốc công bố.


Bé gái Danica May Camacho, chào đời tại Philippines tối qua,
được coi là người thứ 7 tỷ trên trái đất. (Ảnh: AFP)

“Một số chính phủ không xây dựng được bộ máy thống kê dân số hiệu quả, hoặc trong nhiều trường hợp dữ liệu thống kê dân số không được hoàn tất”, Kollodge nói.

Trong một số trường hợp Liên Hợp Quốc phải điều chỉnh dữ liệu theo những xu hướng mà một quốc gia không tính tới khi họ điều tra dân số.

“Chúng tôi biết một số lượng lớn bé gái biến mất trong các đợt thống kê dân số, vì khi bạn đếm số lượng học sinh nữ trong các trường học tại Trung Quốc, bạn sẽ nhận ra rằng con số đó lớn hơn nhiều so với số lượng bé gái được sinh ra 6 năm trước theo thống kê của chính quyền”, John Bongaarts, phó chủ tịch Hội đồng Dân số tại Mỹ, phát biểu.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc luôn cố gắng tìm cách xử lý những yếu tố phức tạp trên trước khi “chốt” con số cuối cùng.

Gerhard Heilig, người đứng đầu nhóm thống kê và ước lượng dân số toàn cầu của Liên Hợp Quốc, dùng từ “vô nghĩa” để mô tả việc ai đó cố gắng xác định thời điểm đứa trẻ thứ 7 tỷ chào đời. Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng sai số trong dự đoán của họ là 1-2%. Điều đó có nghĩa là dân số thế giới ngày nay có thể nhiều hoặc ít hơn 56 triệu so với con số 7 tỷ, BBC cho hay.

“Dân số toàn cầu có thể đạt mốc 7 tỷ trước hoặc sau 6 tháng kể từ ngày 31/10”, ông nói.

Một trang web của Liên Hợp Quốc khẳng định ngay cả những thống kê dân số tốt nhất cũng không tránh khỏi sai sót. Mặc dù vậy, Liên Hợp Quốc thừa nhận thời gian dân số thế giới đạt 7 tỷ người chỉ mang tính biểu tượng. “Lý do là chẳng có hệ thống nào có khả năng giám sát tức thời mọi ca sinh và tử”, Daniel Goodkind, một chuyên gia về dân số của Cục dân số Mỹ, giải thích.

Jack Goldstone, một chuyên gia về chính sách dân số của Đại học George Mason tại Mỹ, nói rằng thay vì chọn một ngày cụ thể, Liên Hợp Quốc có thể đưa ra một khoảng thời gian dài hơn. Nhưng đó không phải là cách làm khôn ngoan trong dự đoán dân số.

“Bằng cách đưa ra một ngày cụ thể và một con số được làm tròn, Liên Hợp Quốc đã khiến dư luận thế giới chú ý hơn tới vấn đề dân số. Tôi nhận thấy mức độ chú ý của dư luận đang lên tới mức cao nhất trong nhiều năm qua”, Goldstone nói.

Bongaarts lập luận rằng thời gian dân số thế giới đạt 7 tỷ không phải vấn đề quan trọng nhất.

“Thông điệp quan trọng là dân số trái đất đã quá lớn và chúng ta nên chú ý tới tác động của nó”, ông phát biểu.

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video