Hơn một năm trở lại đây, cà phê wifi (kết nối Internet không dây) đã trở nên thân thuộc với dân sành công nghệ thông tin ở Sài Gòn. Kéo theo đó là một hiện tượng: ghiền cà phê wifi. Không hẳn là một tách cà phê ngon.
Nhóm bạn SV Thư, Trang, Duy vô quán bàn ý tưởng quảng cáo |
Anh Lâm Thế Phương là khách ruột của cà phê wifi D. Một tuần anh đến đây... năm, sáu ngày vào các đầu giờ sáng, chiều, tối. Phương nói: “Đây là sân chơi cho những người thích công nghệ cao. Mình cứng tuổi rồi, tiếp cận công nghệ mới còn chậm. Đến đây được các anh em trẻ tư vấn, chỉ vẽ không cảm thấy “ngượng” như học trong trường lớp”.
Thói quen
Anh Phương làm quản lý cấp cao cho Hãng bảo hiểm Menu Life. Ở vị trí này, bình quân thu nhập một tháng anh được “trên hai chục chai” (20 triệu đồng). Mức thu nhập đủ để anh chơi laptop hay PDA thoải mái, tiền uống cà phê càng không phải nghĩ. Nhưng cơ duyên anh bước vào thế giới này lại từ ông sếp. Anh than: “Ổng quản lý bao nhiêu người với hàng chục công việc mỗi ngày nhưng sắp đặt đâu vào đó. Nhất là mình, không hiểu sao cái gì ổng cũng quản lý được: lịch hẹn, họp hành, báo cáo... Hỏi ra mới biết ổng dùng PDA (máy hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số). Có việc gì, hẹn gì ổng “chọt” hết vô đó. Không quên được”.
Nhờ cà phê D có ông chủ rất thạo về PDA, anh Phương đặt hàng mua được một con Palm phone Treo 650 - PDA được coi là thông minh nhất thế giới. Ngoài ra, để quyết vượt “thầy”, anh trang bị thêm một laptop IBM. Với những đồ chơi như thế, anh Phương rất tự tin vào khả năng quản lý công việc và có thể vô “biểu diễn” ở bất kỳ quán cà phê wifi danh tiếng nào ở Sài Gòn.
Anh Phương nói: “Nhà mình dùng đến hai “lai” (đường truyền) Internet; một của FPT, một của Saigontourist. Đến cơ quan máy tính kết nối Internet cũng nhiều nhưng không thể thiếu việc đến cà phê wifi. Kỳ lắm, vô quán nào không có wifi là thấy thiêu thiếu, bức xúc thế nào”. Có lần anh Phương vô quán quen M, một trong những quán cà phê lớn ở Sài Gòn. Quán không có wifi. Anh mới kêu bà chủ ra hỏi chuyện. Bà nói lắp vô sợ tốn kém, khách đến ngồi lâu - uống ít, sợ làm giảm doanh thu. Anh cười, tư vấn cho bà: “Lắp vô còn kéo thêm được lượng khách IT nữa. Họ cũng không ngồi lâu đâu. Có khi chỉ vô gửi cái email dăm phút là về. Như thế rất tiện cho họ”. Một thời gian sau, bà chủ này cho mắc wifi và quả nhiên khách hàng đã đông hơn.
“Không hiểu mình ăn nói thế nào mà người ta hay nghe theo! - anh Phương nói - Mình chơi cái gì người ta cũng thích chơi theo. Vừa tối qua mình tư vấn cho thằng bạn đang công tác ngoài Đà Nẵng mua cái Treo để đi wifi cho tiện. Y như rằng trưa nó gọi, kêu mua giùm một cái, phải mới 100%, tiền không thành vấn đề”.
“Văn phòng... làm việc thông minh”
Anh Phương đang lướt web |
Dân chơi công nghệ ở Sài Gòn không mấy lạ lẫm về Thắng “wifi”, chủ quán D. Tay này từng bôn ba 6-7 năm làm “chợ đen” về vi tính, sau chuyển sang “buôn” PDA và giờ là mở cà phê wifi mặc dù hắn vẫn còn là sinh viên. Cho đến giờ quán vẫn... lỗ 5-6 triệu đồng/tháng nhưng hắn “thích thì nuôi”, chủ yếu để làm một sân chơi chung cho anh em công nghệ. Hắn ít khi ra khỏi quán. Thứ nhất để... bán cà phê. Thứ hai, bảo vệ mạng. Hồi mới mở, mạng “rớt” ầm ầm. Hễ đi khỏi quán là anh em phải kêu về để sửa chữa. Sau tìm hiểu mới biết mạng bị “bắn”. Người chống phá là những cao thủ IT đến từ các quán wifi cạnh tranh. Mới biết, để đảm bảo an ninh mạng cho những khách đến quán giao lưu, làm việc... quả không đơn giản.
Thắng “wifi” nói về một triết lý làm việc mới, triết lý mà hắn phải học từ... khách hàng: “Thập niên trước, những người làm việc đến 9-10 giờ tối mịt được coi là chăm chỉ, giỏi giang. Như thế gọi là “hard working” - làm việc chăm chỉ. Nhưng giờ thì những người giải quyết được công việc cả ngày trong một buổi sáng mới giỏi, tối để thời gian giải trí, đi chơi. Thuật ngữ “smart working” (làm việc thông minh) bây giờ thông dụng hơn. Nhất là trong thời buổi công nghệ bùng nổ, những người thuộc dòng “smart working” xuất hiện ngày một nhiều”.
Và người “bày” cho Thắng cách làm việc này không ai khác là ông Th., chủ nhiệm CLB Vespa và những người bạn. Có đến quán, không cần bước vô mà chỉ cần tìm con vespa cổ với vô vàn chữ ký của người nổi tiếng là biết ông đã có mặt hay chưa. Ông Th. thường đến quán vào lúc 10 giờ và ít khi rời khỏi đó sau 6-7 tiếng check mail, lướt web, trao đổi công việc qua mạng... Có hôm ông ngồi đến lúc... quán đóng cửa. Ông Th. làm công ty thiết kế, đồ họa nên công việc liên quan đến mạng rất nhiều. Ngày trước, con máy laptop Toshiba 17 inch của ông có màn hình thật ấn tượng, giờ thì không thấy ông dùng nó nữa. Đến quán, mượn máy quán xài chùa, mỗi lần “làm việc thông minh” như thế ông chỉ dùng hai cữ cà phê với thực đơn duy nhất: đen không đường.
L. là một kiến trúc sư và anh chọn luôn quán cà phê T ở Q.1 làm “văn phòng làm việc” mặc dù công ty anh có trụ sở ở Q.5. Sáng nào, 8-9 giờ anh cũng xách laptop đi làm (vợ con tưởng đến công ty) nhưng thật ra là chui ngay vô quán cà phê. Thay vì chọn một chỗ ngồi có thể ngắm cảnh, ngắm... gái đẹp và có thể giao lưu với mọi người thì anh chui vô chỗ nào vắng vẻ nhất. Việc quan trọng nữa là tìm xem... ổ cắm điện nằm ở đâu. Tìm thấy rồi là mang laptop ra cắm vô, làm việc. Anh L. nói: “Mình có nhiều khách hàng ở trung tâm.
Có việc gì mời họ đến quán giao dịch hoặc mình chạy qua cũng tiện. Công việc đã có hết trong máy tính hoặc trên mạng rồi. Ngồi văn phòng cũng thế”. Anh L. có hai thói quen mới từ lúc biết cà phê wifi: Thứ nhất, anh không đọc báo in nữa. Trước đây, vô quán anh phải xem sạp báo của quán ở chỗ nào, phải vơ ngay lấy một xấp. Đôi khi thiếu báo anh phải mua thêm của người bán rong. Giờ thì khỏi. Thứ hai: từ lúc vào cà phê wifi, anh thấy văn phòng làm việc của mình buồn, không có nhạc, không nhiều người qua lại; trong khi công việc sáng tạo của anh cần rất nhiều cảm hứng, “cú hích”.
Tình bạn thời wifi
Tôi gặp nhóm ba bạn SV trường ngoại ngữ và tin học trong một buổi chiều. Trông họ giản dị, âm thầm và không có nhiều những “đồ chơi” công nghệ. Đó là Minh Thư, Thùy Trang và Bảo Duy. Nhưng đừng đùa, họ đang bàn chuyện làm ăn đấy. Trước mắt họ đang là một chiếc laptop, nhiều trang web về mỹ thuật đang được “search”.
Thư nói: “Chúng tôi đang định cho ra đời một ý tưởng quảng cáo. Đến đây vừa tranh thủ bàn chuyện làm ăn, vừa lướt web”. Ngoài nhâm nhi tách cà phê, họ thường đến quán để vào các trang như zidean.com (trang về đồ họa) hoặc deviantart.com (trang về design)... Duy nói: “Vô quán wifi mình có cảm giác đang làm việc chứ không phải đi thư giãn. Không khí và những con người chuyên nghiệp ở đây cũng làm mình thấy phấn chấn hơn”.
Anh Phương, “tay tổ” đã nói ở trên, qua cà phê wifi cũng làm quen và học hỏi được nhiều từ những người bạn xa lạ. Có lần anh ngồi ở quán P, một trong ba quán wifi chuyên nghiệp nhất Sài Gòn. Cạnh anh là một anh bạn xài laptop Sony và móc điện thoại di động nói chuyện về chương trình ca nhạc ầm ầm. Ngồi nghe một hồi anh dễ dàng làm quen, kể rằng mình cũng quen biết một số nhạc sĩ.
Anh bạn kia khiêm tốn không nói nhiều về mình mà chia sẻ với anh Phương những kiến thức về công nghệ. Tàn chầu cà phê, họ hồ hởi chia tay. Có lần sau đó, anh Phương mới giở tờ báo, nhìn thấy đúng hình anh bạn đã gặp ở quán. Anh ta là Q., một nhạc sĩ nổi tiếng! Thế mới biết mình đã được hân hạnh ngồi với người nổi tiếng mà không hay.
Anh Phương công nhận một điều: “Ngồi quán, làm quen dễ lạ kỳ. Không biết có phải do mình bán bảo hiểm nên có khiếu ăn nói không”. Có lần đáng nhớ cũng ở cà phê P. Anh ngồi cạnh một ông đang dùng laptop IBM T43. Ngồi một hồi, anh qua làm quen, hỏi ổng sao mạng chậm hay bị “rớt” rồi. Ông kia cũng vui vẻ trả lời. Hai bên còn hồ hởi nói ra một đống chuyện. Chẳng biết ông “cảm” anh Phương thế nào, một lúc sau ông lấy luôn ổ cứng phần mềm di động chép cho anh một chương trình làm sạch rác trong máy tính. Anh Phương khen: “Nhìn ổng không phải dân “pro” mà hào hiệp!”.
Giờ đây thì cảnh khách vô cà phê wifi biểu diễn các “đồ chơi” sành điệu không còn xa lạ nữa. Họ đã đến với sự lành mạnh và ham học hỏi. Chỉ còn vài điều: đến quán để chơi game (phổ biến là “Võ lâm truyền kỳ”); hay là “cà phê mồi” với những em vô mạng để chát chít “đi khách”; hoặc là các “cu thảo” ôm đồ IT vô quán lượn lờ làm quen, dụ khách rồi “thuốc giá”. Có chuyện, quán W còn mở phòng wifi... VIP, trong đó rất yên tĩnh và có “gà” rất xinh tươi, mát mẻ... Dù sao wifi cũng không có lỗi. Chẳng qua là từ những người “truy cập” nó mà thôi.
XUÂN NGỌC CHỨC BINH