Cuba đang đặt mục tiêu sẽ sản xuất hàng loạt vaccine chống bệnh tả lợn châu Phi trong năm nay sau khi thu được kết quả khả quan từ những thử nghiệm lâm sàng trước đó.
Cuba chuẩn bị sản xuất hàng loạt vaccine chống bệnh tả lợn châu Phi. (Ảnh minh họa: tigervet).
Phát biểu trước báo giới ngày 18/1, ông Jesús Zamora, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gene và Công nghệ sinh học (CIGB) tại tỉnh Camagüey, ước tính ban đầu cơ sở này sẽ sản xuất lượng vaccine đủ để tiêm chủng cho khoảng 2 triệu con lợn sinh ra mỗi năm (2 liều/1 con) trong trung tâm sản xuất lương thực của nhà nước, cùng số lợn đã trưởng thành cũng tại các cơ sở này, trước khi mở rộng sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.
Loại vaccine mới của Cuba là Porvac, có hiệu quả kiểm soát và loại trừ bệnh tả lợn châu Phi lên tới 90%. Dịch tả lợn châu Phi do virus Asfarviridae gây ra và được phát hiện lần đầu tại Kenia năm 1910. Từ năm 1971 tới nay, bệnh này nhiều lần bùng phát thành dịch tại Cuba và một số nước Caribe khác, gây ra tổn thất kinh tế khá nặng nề dù được coi là đã được thanh toán tại hầu hết các khu vực nhiễm bệnh truyền thống trước đây trên thế giới.
Thành lập năm 1989, CIGB Camagüey hiện cũng sản xuất vaccine chống bọ ve trên gia súc mang tên Gavac, thuốc diệt ký sinh trùng lá cây Hebernem và cũng là đơn vị đi đầu trong việc thử nghiệm lâm sàng vaccine đặc trị ung thư tiền liệt tuyến.