Cung điện lớn nhất lịch sử Trung Quốc: Gấp 7 lần Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành là một trong những quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới với kiến trúc độc đáo cùng quy mô rộng lớn của nó. Và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, vẫn còn một quần thể cung điện nguy nga và rộng lớn hơn rất nhiều Tử Cấm Thành ít được nhắc đến: “Cung Vị Ương”.

Cung Vị Ương là một phức hợp cung điện được xây dựng năm 200 TCN theo lệnh của Hán Cao Tổ Lưu Bang, dưới sự giám sát của thừa tướng Tiêu Hà, cung điện phục vụ như một trung tâm hành chính và nơi ở của hoàng tộc Trung Quốc thời nhà Hán, nhà Tấn và một số triều đại khác thời kỳ Nam-Bắc triều.


Hán Cao Tổ Lưu Bang (256 TCN – 195 TCN). (Ảnh: vietnamese.cri.cn).

Vậy tại sao lại có tên là Vị Ương?

Tên gọi của khu phức hợp hoành tráng và đồ sộ này khá đặc biệt. Hai chữ “Vị Ương” được cho là bắt nguồn từ Kinh thi, theo nghĩa đen hàm ý chỉ “(một thứ gì đó) chưa đạt được đến trung điểm của nó”, “có hơn được một nửa để đi”, tuy nhiên, theo một cách thông tục, có có nghĩa là “vô tận”.

Một cái tên không thể không nhắc tới là Trường Lạc cung, Trường Lạc có thể dịch là “hạnh phúc vĩnh cửu”. Vì vậy, khi kết hợp tên của hai cung điện hoành tráng này với nhau, thì chúng mang ý nghĩa là “hạnh phúc vĩnh cửu vẫn chưa đạt tới điểm trung tâm”. Đây là một trong hai tổ hợp cung điện chính và quan trọng trong thời nhà Hán.


Vị Ương là cung điện lớn nhất và nguy nga nhất trong lịch sử Trung Quốc, được xây dựng dưới thời nhà Hán. (Ảnh: Ancient Origins).

Vị Ương cung nằm ở thành Trường An, kinh đô của nhà Hán (ngày nay là Tây An), thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Từ đông sang tây, cung điện này kép dài khoảng 2,15 km, trong khi chiều dài từ Bắc vào Nam chừng 2,25 km tổng diện tích lên tới khoảng 4,8 km2.

Nếu so sánh về diện tích thì Vị Ương cung có diện tích lớn gấp gần 7 lần Tử Cấm Thành (hay còn gọi là Cố Cung với diện tích 0,72 km2). Nói cách khác, cần phải có gần 7 Tử Cấm Thành mới lấp đầy chỗ trống xây dựng Vị Ương cung. Nếu so với thành Vatican ở Roma, Italia thì cung Vị Ương còn rộng gấp 11 lần, quả là ngoài sức tưởng tượng!

Dù ngày nay chìm trong đống đổ nát nhưng Vị Ương cung từng là một trong những tổ hợp cung điện lớn nhất trên thế giới. Những tàn tích còn sót lại không thể cho chúng ta thấy hết được sự lộng lẫy, hùng vĩ và hào nhoáng của khu di tích cung điện nổi tiếng của triều đại nhà Hán (206 TCN – 220 SCN).


Minh họa thời nhà Thanh về Vị Ương cung và Trường Lạc cung. (Ảnh: The Mystery Vault).

Tuy nhiên, thời nhà Đường cung điện này mất dần tầm quan trọng do các hoàng đế đã bắt đầu xây dựng các cung điện mới của họ. Nhiều người còn cho rằng cung điện Vị Ương nổi tiếng cũng bị tàn phá trong triều đại này.

Theo một số ghi chép, sự kiện Loạn An Sử (người cầm đầu là An Lộc Sơn (703-757)) nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc giữa thế kỷ 8 và cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào (835-884) chống lại nhà Đường được cho là nguyên nhân khiến cung Vị Ương phá hủy nặng nề và còn lại tàn tích như chúng ta thấy ngày nay.

Hiện những tàn tích rộng lớn của Vị Ương đã trở thành một địa điểm khảo cổ. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành những cuộc khai quật và đã phát hiện một số thông tin thú vị về công trình kỳ vĩ này.

Theo đó, tổ hợp của cung điện này có hình chữ nhật, được một bức tường dày khổng lồ bao quanh và có nhiều cổng ra vào. Đặc biệt, mỗi bên của các bức tường đều có một cổng chính và bên cạnh hai cổng phụ.


Phần di tích còn sót lại của Cung Vị Ương. (Ảnh: EPeak Daily).

Nền móng của cung điện này cho thấy chúng được làm từ đất nén khối. Vật liệu này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn rất vững chắc, tạo cảm giác an toàn, chống lửa và chống mối mọt.

Những kiến trúc lớn bên trong Vị Ương cung gồm có: Tiền điện, Ôn Thất điện, Kim Hoa điện, Thừa Minh điện, Tiêu Phòng điện, Bách Liên đài, Thiên Lộc các,… Ngoài ra, các công trình thiết kế hồ và núi nhân tạo cũng rất sinh động và khác so với các triều đại trước.

Dù tồn tại khoảng 1041 năm nhưng Vị Ương cung được coi là cung điện lớn nhất và có thời gian sử dụng dài nhất trong số các công trình kiến trúc hoàng gia trong lịch sử Trung Quốc. Những ý tưởng ý tưởng về quy hoạch và kiến trúc của Vệ Ương cung đã có ảnh hưởng sâu sắc và đặt nền móng về thiết kế, kiến trúc những cung điện được xây dựng sau đó trong suốt hơn 2.000 năm.

Cập nhật: 10/07/2021 Theo Dân Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video