Cuộc đời mới của Bill Gates

Từ bỏ công việc hàng ngày ở Microsoft, Bill Gates đã quyết định để lại di sản theo cách của nhiều ông trùm công nghiệp. Những cái tên Carnegie, Getty và Rockefeller ngày nay không gắn chặt với ngành mà họ đã đi tiên phong, mà đi liền với việc thiện.

Trong hai năm tới, Gates sẽ biến trách nhiệm của một lãnh đạo công ty thành sự chú tâm cho Bill & Melinda Gates Foundation, quỹ từ thiện mà ông và vợ cùng sáng lập năm 1994. 

"Khi anh là người giàu nhất thế giới, làm thế nào anh đo được mức độ thành công của mình?", Mark Stephens, một tác gia trong lĩnh vực công nghệ có bút danh là Robert X. Cringely đặt câu hỏi. "Đoạt giải Nobel hòa bình. Ông ấy từng nói riêng với bạn bè rằng đó là mục tiêu".

Gates vẫn là chủ tịch của công ty phần mềm mà ông đã sáng lập ra và biến nó thành hãng phần mềm bao trùm thế giới. Hệ điều hành Windows giờ đây có mặt trong hầu hết máy tính trên toàn cầu. Sự thành công đó đưa Gates lên vị trí người giàu nhất thế giới, với tài sản ước tính 50 tỷ USD.

Bóng của Bill Gates in lên logo của Microsoft trong một cuộc họp báo. Ảnh: AFP

Tuy nhiên mấy năm gần đây, càng ngày ông càng chú ý nhiều hơn đến Gates Foundation. Quỹ này đã chi 10 tỷ USD cho các chiến dịch cải cách giáo dục, chống AIDS và sốt rét. Nó có tổng ngân sách hơn 29 tỷ USD và các khoản chi tiêu qua mặt cả Tổ chức y tế thế giới.

Tuyên bố về việc Gates lui bước được đưa ra trong lúc Microsoft đang chiến đấu để giành giật lợi thế cạnh tranh. Tầm quan trọng của các phần mềm dựa trên PC đang giảm dần trước ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của các ứng dụng mạng. Vị thế trung tâm của Microsoft trong thế giới điện toán đang bị tấn công dữ dội bởi các công ty Internet như Google Inc. và Yahoo Inc.

Gates bắt đầu chuyển dần quyền lực ở Microsoft từ năm 2000, khi ông đưa Steve Ballmer lên làm tổng giám đốc điều hành trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý giữa hãng với Bộ Tư pháp Mỹ lên cao. Trong cuộc chiến đó, Gates thường bị coi là một kẻ độc quyền không khoan nhượng. Đưa Ballmer lên được xem như một cách để xây dựng cho Microsoft gương mặt mềm mỏng hơn trong mắt công chúng.

Quyết định hôm thứ năm tuần trước đánh dấu sự thay đổi sâu sắc hơn nhiều, Mark Stahlman, nhà phân tích chiến lược công nghệ thuộc hãng Hedgerow Partners, đánh giá.

"Điều đó phản ánh thực tế là Gates không còn đủ khả năng một mình nắm hết những thay đổi đã và đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ thông tin", Stahlman nói. "Ông ấy bị bật do vụ kiện và đang phải dựa vào những người khác. Vào lúc này, điều quan trọng là những gì ông ấy nói - cống hiến tài sản của mình - đã mang lại đà tích cực cho công ty".

Sự lùi bước này tạo điều kiện để Microsoft thay máu ở cấp chóp bu.

Vai trò kiến trúc sư trưởng về phần mềm và công nghệ của Gates sẽ do Ray Ozzie, 50 tuổi, tiếp quản. Ông này là người lập chương trình Lotus Notes, gia nhập Microsoft sau khi hãng mua công ty đầu tiên của ông là Groove Networks hồi năm ngoái. Giám đốc kỹ thuật Craig Mundie tiếp quản vai trò nghiên cứu và chiến lược, và trưởng tư vấn Brad Smith đảm nhận trách nhiệm về bản quyền và chính sách công nghệ.

"Xét một cách nào đó, ngày nay điều quan trọng nhất không phải là Bill Gates mà là sự thăng tiến của những người khác, vào các vị trí cao cấp về mặt công nghệ và chiến lược", Stahlman nhìn nhận.

Nhưng một số nhà quan sát cho rằng việc Microsoft phải kiếm đến 3 người thay thế để làm các công việc trước đây của Gates cho thấy ảnh hưởng của ông ở Microsoft lớn đến mức nào.

"Có rất nhiều công ty không phụ thuộc vào một cá nhân, nhưng xét về nhiều mặt thì Microsoft là như vậy", Michael Cohen, giám đốc nghiên cứu thuộc Pacific American Securities nói. "Tôi cho là có thể thay thế ông ấy được về mặt công nghệ, nhưng về mặt chiến lược kinh doanh thì không.

Nếu Gates vẫn là chủ tịch và làm việc ở công ty kiểu bán thời gian, Microsoft sẽ được lợi nhờ sự thông thái của ông ấy trong cách tạo dựng hôn nhân giữa chiến lược kinh doanh và công nghệ
".

Sự thay đổi có thể cho Gates nhiều thời gian hơn để tập trung vào vai trò là nhà bác ái có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, thông qua quỹ nhân đạo mà ông tài trợ bằng tiền cổ phiếu của Microsoft. Ông và vợ đã đi khắp thế giới, thăm những khu nhà ổ chuột ở Ấn Độ và những ngôi làng heo hút tận châu Phi.

"Một thời gian dài, ông ấy từng nói sẽ đầu tư tiền một cách thông minh để tạo ra nhiều việc làm nhằm thu lại tiền", Greg DeMichillie, nhà phân tích thuộc Directions on Microsoft - một cơ quan nghiên cứu độc lập ở bang Washington, nói. "Việc ông ấy chuyển sang làm ở quỹ từ thiện cũng là lẽ thường".

Gates Foundation đã đi đầu trong cuộc chiến chống những căn bệnh mà rất nhiều người trên thế giới mắc phải, trong đó có sốt rét, lao và AIDS. Gates say mê tìm hiểu về những căn nguyên rắc rối gây các loại bệnh và thảo luận với những nhà nghiên cứu và lập chính sách.

"Rõ ràng là ông ấy nhận thấy các vấn đề mà quỹ từ thiện phải giải quyết cũng thú vị và phức tạp không kém những vấn đề mà ông đương đầu khi lãnh đạo Microsoft", Ian Wilhelm, phóng viên kỳ cựu của Chronicle of Philanthropy (Chuyên san bác ái), nhận xét.

Một số người bình luận rằng Gates có phong cách của một nhà tư bản tự tại, với những nét tính cách giống như trùm dầu lửa John D. Rockefeller.

Gates cho hay ông có kế hoạch đi nghỉ 7 tuần trong mùa hè này. Đây là lần đầu tiên Gates cho phép mình nghỉ dài hơn hai tuần kể từ khi ông sáng lập Microsoft. Trong thời gian đó, Gates sẽ tham gia diễn đàn lãnh đạo chính phủ ở châu Phi.

Các nhà quan sát dự đoán rằng Gates sẽ lặng lẽ chuyển dần dần trọng tâm hoạt động và sức cạnh tranh của ông, dành ít sức mạnh hơn cho công việc kinh doanh ở Microsoft, và dành nhiều hơn cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

"Hãy xem những khó khăn của Microsoft trong hai năm gần đây. Chú thỏ nhỏ Google đang xiết những cái thòng lọng quanh công ty này", Paul Saffo, Giám đốc Viện nghiên cứu tương lai ở Palo Atlto (California), nói. "Bill cần phải bí mật chuyển sang một thứ khác. Ông ấy chẳng cần trông chừng xem Google có soán mất ngôi của mình trong thế giới từ thiện bác ái hay không".

Gates tuyên bố ông sẽ cống hiến nhiều thời gian hơn, chứ không phải nhiều cổ phiếu Microsoft hơn, cho mục tiêu mới.

"Tôi luôn nhìn nhận mình là cổ đông lớn nhất của Microsoft", ông nói. "Và tôi tự hào về điều đó".

T. Huyền

Theo LA Times, VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video