Cuộc sống âm thầm của một người đáng nhận giải Nobel

Khi danh sách những người nhận giải Nobel hóa học 2008 được công bố, vị tiến sĩ từng có công lớn trong công trình đoạt giải thưởng đang ngồi trên một chiếc xe đa dụng, công cụ kiếm sống của ông.

Vài tháng nữa, tiến sĩ Roger Y. Tsien và tiến sĩ Martin Chalfie sẽ tới Stockholm để nhận giải Nobel hóa học 2008 và khoản tiền thưởng 450 nghìn USD vì có công tìm ra một kỹ thuật giúp giới khoa học theo dõi mọi hoạt động của các tế bào sống.

Trong khi đó, người từng cung cấp thứ quan trọng nhất trong công trình nghiên cứu của hai vị tiến sĩ - những dữ liệu về gene tạo ra protein phát sáng huỳnh quang trong cơ thể sứa - đã từ bỏ khoa học vì sự trớ trêu của số phận.

Douglas C. Prasher - người từng nghiên cứu sứa Aequorea victoria khi còn làm việc tại Viện Hải dương học Woods Hole (bang Massachusetts, Mỹ) trong những năm đầu thập kỷ 90 - đang lái xe đa dụng cho một công ty thuê xe ở thành phố Huntsville, bang Alabama để nhận mức thù lao 10 USD/giờ.

Tài xế 57 tuổi khẳng định ông không hề cảm thấy cay đắng hay ghen tị với các đồng nghiệp đoạt giải Nobel hóa học của năm nay. Họ gồm tiến sĩ Roger Y. Tsien của Đại học California, tiến sĩ Martin Chalfie của Đại học Columbia và Osamu Shimomura, giáo sư danh dự của Đại học Y khoa Boston. Osamu là người đầu tiên phát hiện ra protein phát sáng ở sứa vào năm 1961. 

Tiến sĩ Douglas C. Prasher và chiếc xe đa dụng của công ty Bill Penney Toyota, phương tiện kiếm sống của ông, tại thành phố Huntsville, bang Alabama, Mỹ. Ảnh: nytimes.com.


Vốn là một tiến sĩ hóa sinh, tiến sĩ Prasher quan tâm tới việc giải thích cơ chế phát sáng của một số động vật dưới góc độ hóa học. Trong những năm cuối thập kỷ 80, ông đề nghị Viện Y tế quốc gia Mỹ tài trợ cho công trình nghiên cứu gene sản xuất protein phát quang của sứa trong 5 năm. Trong đơn, ông đưa ra dự đoán rằng protein phát quang có thể được sử dụng để chiếu sáng các cấu trúc bên trong tế bào.

"Tôi biết protein phát sáng có thể làm nên cuộc cách mạng trong việc theo dõi các hoạt động của thế giới vi mô. Giờ đây điều đó đã được chứng minh", Prasher nói.

Tuy nhiên, đề nghị của Prasher bị bác bỏ. Ông tiếp tục gửi đơn tới Hiệp hội Ung thư Mỹ. Họ đồng ý, nhưng chỉ tài trợ cho ông trong 2 năm, khoảng thời gian chỉ đủ để Prasher phân lập gene sản xuất protein phát quang, chứ không tìm ra bất kỳ ứng dụng nào.

Tới lúc đó, tiến sĩ Prasher cảm thấy chán công việc ở Phòng thí nghiệm sinh học hải dương Woods Hole và quyết định tìm một công việc mới. Sau đó Roger Y. Tsien và Martin Chalfie tìm gặp ông để hỏi về gene sản xuất protein phát sáng của sứa. Ông hào phóng chia sẻ các thành quả nghiên cứu với cả hai người.

Sau đó, tiến sĩ Prasher làm việc cho Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ông chịu trách nhiệm nghiên cứu các biện pháp nhận dạng côn trùng gây hại. Lại một lần nữa ông không cảm thấy hài lòng với công việc và thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm.

"Tôi không thích đội ngũ lãnh đạo của mình, vì thế tôi tìm công việc khác", ông kể.

Prasher chuyển tới thành phố Huntsville, bang Alabama để làm việc cho một bộ phận của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Bộ phận của ông chịu trách nhiệm xây dựng các phòng xét nghiệm hóa học cỡ nhỏ để nghiên cứu tình trạng sức khỏe của động vật sống khi lên sao Hỏa. Prasher yêu công việc này, nhưng sau đó NASA quyết định ngừng rót tiền cho dự án và ông mất việc. Vì những lí do gia đình, ông vẫn ở lại Huntsville và điều này làm giảm cơ hội tìm kiếm việc mới của ông.

Tình trạng trầm uất quay trở lại. Sau một năm thất nghiệp, tiến sĩ hóa sinh xin lái xe đa dụng cho Bill Penney Toyota, một công ty cho thuê xe. Tính tới nay ông đã làm công việc này được một năm rưỡi.

Khi tên của những người đoạt giải Nobel hóa học năm 2008 được công bố vào ngày 8/10, một số tờ báo và kênh truyền hình đã nhắc tới Prasher. Một người ở Chicago để gọi điện tới nhà ông để xác minh thông tin và họ đã nói chuyện với nhau rất lâu.

Theo thông lệ, mỗi giải Nobel chỉ được trao cho tối đa 3 người. Nhiều người cho rằng quy định này khiến công sức của nhiều nhà khoa học không được công nhận và Prasher là một trường hợp. Tuy nhiên, vị tiến sĩ hóa sinh khẳng định rằng, nếu được đưa vào danh sách nhận giải Nobel hóa học, ông sẽ cảm thấy không thoải mái.

"Còn rất nhiều người học xứng đáng nhận giải Nobel hơn tôi. Họ đã nỗ lực hết sức và giành cả đời cho khoa học, còn tôi thì không", ông tâm sự.

Theo VnExpress (Time)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video