Bấy lâu nay các nhà khoa học vẫn tự hỏi loài chim không có lông vũ này làm gì suốt nhiều tháng liền trên biển khi chúng chuẩn bị cho thời kỳ sinh sản.
Một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (CNSR) đã gắn các thiết bị theo dõi vào chân một chục chim cánh cụt macaroni trống và mái (tên khoa học là Eudyptes chrysolophus) vào lúc mùa đông bắt đầu tại quần đảo Kerguelen ở Ấn Độ Dương.
Những chú chim bơi ra biển vài ngày sau đó trong mùa kiếm ăn thường niên và những thiết bị theo dõi ghi nhận vị trí, tần suất ánh sáng và nhiệt độ nước ở bất cứ nơi nào chúng đến. Mùa xuân năm sau, khoảng sáu tháng sau đó, chim quay lại Kerguelen bắt đầu mùa sinh sản. Các nhà khoa học thu lại các thiết bị và lấy mẫu máu để biết chim đã ăn gì trong nửa năm qua.
Các nhà khoa học xác định sau khi rời Kerguelen, chim đã bơi nhanh về phía đông, xuống vùng nam Ấn Độ Dương, tản ra trên diện rộng, dành 80% thời gian ở một khu vực địa lý kéo dài từ 47-49 vĩ độ nam. Phần thời gian còn lại chúng bơi xa hơn về phía nam, gần tới Nam cực, nhưng không tiến gần mỏm băng. Chúng đã bơi một khoảng đường xa đến ngạc nhiên, trung bình 10.430km trong sáu tháng trên biển. Chú chim phiêu lưu nhất bơi cách Kerguelen tới 2.400km. Trong những tuần lễ cuối cùng của mùa di cư, chúng bơi về nhà như trong một cuộc đua, hoàn tất quãng đường 1.743km chỉ trong một tháng.
Thử nghiệm máu cho thấy thực phẩm chính của chim cánh cụt khi sống trên biển là loài giáp xác chứ không phải các loài nhuyễn thể ở vùng cực như suy đoán từ trước đến giờ. Nghiên cứu này quan trọng do xác định được vùng kiếm ăn chính của loài chim này, qua đó giúp các nỗ lực bảo tồn.