Vì những con cánh cụt Hoàng đế trưởng thành rất hung hăng, con non bắt buộc phải tụ lại với nhau thành từng nhóm chặt ních để sống sót. Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Hành vi động vật, đã tìm thấy rằng những con không may đứng ở rìa cái đám đông chật chội này, rất dễ bị ức hiếp hoặc ăn thịt đến mức chúng không bao giờ thực sự ngủ cả.
"Cánh cụt ngủ bằng cách xen kẽ giữa những khoảng nhắm mắt là những lúc mở mắt ngắn, giống như kiểu "nhìn trộm" trong giấc ngủ cảnh giác của mình", Michel Gauthier-Clerc, một tác giả của nghiên cứu giải thích. "Mặc dù ngủ mơ màng như vậy, song chúng vẫn có thể bao quát được môi trường xung quanh".
Gauthier-Clerc, tại Trạm sinh học Tour du Valat ở Arles, Pháp và cộng sự đã nghiên cứu hơn 16.000 con chim cánh cụt Hoàng đế Aptenodytes patagonicus, sống trên đảo Possession, Nam cực. Những con chim non bị một hoặc cả hai cha mẹ bỏ rơi thường xuyên bị lũ cánh cụt trưởng thành khác đánh hoặc đạp bằng chân chèo. Chúng thường chạy về phía những con non khác cho đến khi tạo thành nhóm ken đặc vào nhau.
Chim con cố tranh giành một vị trí ở trung tâm cái nhóm ken đặc đó. Những con còi đẹn, thấp bé bị đẩy ra rìa vòng, nơi chúng thường xuyên bị tấn công và bị ăn thịt bởi các loài mòng biển nâu và mòng biển kelp. Trong khi những con may mắn nằm ở trung tâm ấm áp và an toàn ngủ ngon lành, thì những con ngoài lề chỉ được nghỉ ngơi chốc lát trong những chu kỳ ngủ rất cảnh giác.
"Chúng tôi cho rằng chim con ở rìa vòng tiết kiệm được ít năng lượng hơn vì lạnh và vì thiếu ngủ. Chúng không được che chắn trước gió lạnh, lại dễ bị kẻ ăn thịt tấn công và ngủ ít". Ông cũng chỉ ra rằng chim con phải sống như vậy, không thức ăn, trong suốt mùa đông, cho đến khi cha mẹ của nó trở lại vào cuối mùa mang theo lương thực.
T.An (theo Discovery)