Đà Nẵng: Bảo tồn rạn san hô, hệ sinh thái vùng biển

Đà Nẵng ban hành phạm vi quản lý, bảo tồn rạn san hô và hệ sinh thái vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà.

TP Đà Nẵng vừa ban hành phạm vi vùng quản lý, bảo tồn rạn san hô và các hệ sinh thái nhằm quản lý nghiêm ngặt và bảo tồn các khu vực có tính đa dạng sinh học loài cao. Đồng thời tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP theo hướng bền vững.

Phạm vi quản lý bao gồm vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích gần 4.000ha. Vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) rộng 82ha; trong đó có 36ha ở khu vực Hòn Sụp, Bãi Bụt, Hục Lỡ, Vũng Đá và Đông Bãi Bắc được giới hạn từ bờ ra đến 300m với độ sâu trung bình 12m.

(Ảnh: wademan.com)
Vùng phục hồi sinh thái có diện tích 48,5ha nằm ở khu vực Bãi Nồm được giới hạn từ bờ ra khoảng 500m với độ sâu trung bình 15m. Vùng khai thác hợp lý có tổng diện tích 3.809,5ha kể từ vùng nước nông gần bờ và thuỷ vực sâu trong vùng biển từ Mũi Nhồi đến Mũi Nam Ô phía Nam Hải Vân, từ Mũi Đèn ở phía Tây bán đảo Sơn Trà đến vùng bờ phường Mân Thái ở phía Nam bán đảo Sơn Trà.

Tại vùng lõi và vùng phục hồi sinh thái, tất cả các hoạt động có thể gây huỷ hoại bãi đá ngầm, rạn san hô, thảm thực vật và hệ sinh thái khác như dùng chất nổ, xung điện, chất độc và các hình thức huỷ diệt để khai thác nguồn lợi thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình, xả nước thải... đều bị cấm.

Tuy nhiên, các hoạt động nghiên cứu khoa học, du lịch, văn hoá, thương mại không gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi, sinh cảnh với sự tham gia của cộng đồng cư dân sẽ được khuyến khích tại vùng lõi và vùng phục hồi sinh thái bên cạnh vùng được quy hoạch dành cho các hoạt động khai thác hợp lý.

Theo khảo sát mới đây của Công ty Coral Reef Dive Center nhằm chuẩn bị cho việc ký kết dự án tour du lịch lặn biển có vốn đầu tư 4 triệu USD tại bán đảo Sơn Trà, vùng biển Mũi Nghê có diện tích 4,5ha có tiềm năng về lặn biển còn hơn cả khu vực Hòn Mun của Nha Trang.

Nơi đây có 42 loài san hô rực rỡ sắc màu mọc rất sát bờ nên chỉ cần vài sải tay bơi là du khách có thể ngắm nhìn vô vàn những đàn cá thuộc họ cá thia (18 loài), cá bàng chài (15 loài), cá bướm (9 loài), cá thần tiên... Đây còn là lãnh địa của các loài cá mú, cá hồng mà chỉ cần biết quăng câu là du khách có thể tóm được vài con làm mồi nhậu buổi trưa ngay trên biển.

Ở khu vực quanh Hòn Sụp rất gần bãi Thọ Quang, ngồi trên thuyền du khách cũng có thể quan sát những cây san hô như chiếc nấm khổng lồ mọc trên vùng biển rộng chừng 9,5ha. Theo kết quả khảo sát, trong khi phía Đông Hòn Sụp có khoảng 54 loài san hô thì ở phía Tây, số loài san hô lên đến 58. Đặc biệt, quanh khu vực này còn có đến 162 loài thuộc 77 giống cá khác nhau sinh sống.

Hải Châu

Theo Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video