Sự sống ngoài hành tinh có thể ở gần chúng ta hơn suy nghĩ trước đây: trong biển mây tưởng chừng như chết chóc của sao Kim, hành tinh gần Trái đất nhất.
Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrobiology, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được sự tồn tại khả dĩ của quá trình quang hợp trong các đám mây dày đặc của sao Kim.
Sao Kim là mục tiêu được giới thiên văn chăm sóc trong cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh - (Ảnh: NASA).
Giáo sư Rakesh Mogul từ Khoa hóa học và hóa sinh, Đại học Bách khoa bang California (Mỹ), cho biết mức độ axit và hoạt động của nước trong biển mây của sao Kim có khả năng nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với các dạng vi sinh vật đang tồn tại trên Trái đất.
"Chúng tôi tin rằng các đám mây của sao Kim sẽ trở thành mục tiêu tuyệt vời cho các sứ mệnh phát hiện sự sống, cũng giống như các đám mây trên sao Hỏa và mặt trăng Europa của sao Mộc mà mọi người đang nhắm tới" - giáo sư Mogul cho biết.
Theo Sci-News, giống như trên Trái đất, các sinh vật quang dưỡng giả định sống trong mây sao Kim sẽ tiếp cận với năng lượng Mặt trời vào ban ngày. Không những vậy, chúng có thể tiếp tục quang hợp vào ban đêm nhờ năng lượng nhiệt hoặc hồng ngoại từ bề mặt và khí quyển đặc biệt của hành tinh.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi các tính toán cho thấy bức xạ nhiệt và Mặt Trời trong các đám mây sao Kim đều sở hữu bước sóng ánh sáng có thể hấp thụ bởi các sắc tố quang hợp có trên Trái đất. Tầng trên dày của bầu khí quyển sao Kim thừa sức lọc bỏ bớt bức xạ UV có hại y như cách tầng ozone của Trái đất đang hoạt động.