Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng, dịch hạch chỉ còn tồn tại trong sách lịch sử. Đó là một biểu tượng đen tối thời Trung cổ, trước khi các bác sĩ biết đến sự tồn tại của virus, vi khuẩn.
Nhưng trong tháng này, 3 người ở Trung Quốc mắc hai thể bệnh dịch hạch khác nhau. Điều này cho thấy, dịch hạch không còn là một vấn đề nghiêm trọng như xưa nhưng cũng không phải chỉ là quá khứ.
Tranh cãi về nguồn gốc, cách thức lây bệnh
Loài người phải đối mặt 3 đợt bùng phát dịch hạch trên diện rộng trong 2.000 năm qua, khiến gần 200 triệu người tử vong.
Đại dịch lần thứ nhất diễn ra vào thế kỷ 6, trong thời kỳ trị vì của hoàng đế Byzantine Justinian đệ nhất. Đại dịch lần thứ hai (được gọi là Cái chết đen) quét qua châu Âu từ thế kỷ 14. Đại dịch lần thứ ba bắt đầu ở Trung Quốc trong thế kỷ 19 rồi lan sang các nước châu Á khác và Mỹ.
Nhân viên một trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc mặc đồ bảo hộ trước khi bước vào phòng thí nghiệm giám sát dịch hạch ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) hôm 28/8/2019. (Ảnh: VCG).
Thời Trung cổ, nhiều người nghĩ rằng, dịch hạch là do Thượng đế gửi tới để trừng phạt tội lỗi của họ. Đến thế kỷ 20, các nhà khoa học chắc chắn rằng, cả ba lần đại dịch đều do vi khuẩn Yersinia pestis có trong bọ chét và các loài động vật có vú cỡ nhỏ gây ra.
Các nhà khoa học biết rằng, có một số chủng Yersinia pestis khác nhau. Loại phổ biến nhất khiến bệnh nhân nổi hạch, viêm phổi.
Nhưng từ những năm 1970 và 1980, các nhà sử học và sinh học bắt đầu chỉ ra rằng, đại dịch lần thứ hai rất khác biệt đại dịch lần thứ ba. Đại dịch lần thứ hai khiến nhiều người chết hơn.
Điều này khiến người ta đặt ra giả thuyết, một loại bệnh khác (không phải dịch hạch) đã gây ra đại dịch “Cái chết đen”, ông Winston Black, nhà sử học đang viết sách giải thích các giả thuyết về dịch hạch, nói. “Có giả thuyết cho rằng, đại dịch "Cái chết đen" không phải do dịch hạch gây ra, mà có thể là do bệnh than hoặc một bệnh gì đó kiểu như Ebola sơ khởi”, ông cho biết.
Bước ngoặt xuất hiện vào những năm 2000, khi các nhà khoa học tìm ra cách lấy được chính xác ADN từ những mẫu cổ xưa, bao gồm xương người thời Trung cổ.
Khi phân tích các bộ xương của nạn nhân dịch hạch, các nhà khoa học tìm thấy dấu vết Yersinia pestis, nhà sử học Black nói. Nhưng nếu dịch hạch không khác biệt về gene, tại sao đại dịch lần thứ hai lại gây chết người nhiều đến vậy?
Nhiều người cho rằng, điều kiện vệ sinh kém, nơi ở chật chội thời Trung cổ là nguyên nhân. Nhưng ông Black nói rằng, điều đó vẫn chưa giải thích thỏa đáng vì có những người khác sống trong điều kiện tương tự nhưng không mắc bệnh, không tử vong quá nhanh như vậy.
Khoảng một thập kỷ trước, một số nhà khoa học cho rằng, dịch hạch có thể bắt nguồn từ Đông Á hơn 2.600 năm trước. Theo họ, đại dịch lần thứ hai có khả năng khởi phát ở Trung Quốc rồi lan sang châu Âu qua Con đường Tơ lụa – tuyến đường thông thương thời cổ nối Trung Quốc với châu Âu. Họ cũng cho rằng, dịch hạch có thể đã lan đến châu Phi thông qua chuyến đi của nhà thám hiểm Trung Quốc Trịnh Hòa – người đi vòng quanh thế giới hồi thế kỷ 15.
Tuy nhiên, các nhà khoa học sau đó tìm thấy bằng chứng ADN cho thấy, dịch hạch có thể xuất hiện trước đó từ rất lâu, khoảng 5.000 năm trước ở châu Âu. Vì thế, giả thiết Cái chết đen có thể bắt đầu ở Trung Quốc khó đứng vững, ông Black nói.
Dù đại dịch lần thứ hai thực sự khởi phát từ Trung Quốc thì giả thuyết liên quan nhà hàng hải Trịnh Hòa cũng không khả thi vì nếu tàu của ông này có chuột nhiễm bệnh dịch hạch thì toàn bộ thủy thủ đoàn nhiều khả năng đã chết trước khi họ đến được châu Phi.
Dịch hạch tấn công thành phố Florence của Ý hồi thế kỷ 14. (Tranh: Giovanni Boccaccio).
Đại dịch lần ba khởi phát ở Trung Quốc
Nhưng đến đại dịch lần thứ ba thì người ta không còn thắc mắc gì nhiều. Lần này, các nhà khoa học khẳng định, dịch bệnh bắt đầu vào thế kỷ 19 ở Trung Quốc, ngày nay thuộc tỉnh Vân Nam ở khu vực tây nam nước này.
Dịch hạch sau đó lan ra Hong Kong, lúc đó là thuộc địa của Anh, và từ đó sang các khu vực khác của châu Á và Mỹ thông qua các tuyến đường thương mại.
“Không thể phủ nhận con đường bệnh lan truyền từ Trung Quốc ra thế giới bên ngoài”, ông Jack Greatrex, người đang học tiến sĩ ở Đại học Hong Kong về lịch sử dịch hạch ở Hong Kong.
Dịch hạch tái xuất ở tỉnh Vân Nam giai đoạn 1986-2005 và vào năm 2016.
Ngày nay, dịch hạch không còn đáng sợ như trước. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể tử vong, nhưng có thể chữa trị dễ dàng với thuốc kháng sinh. Sau mấy ca dịch hạch mới được phát hiện ở Trung Quốc, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc nói rằng, nguy cơ lây bệnh là rất thấp, báo Trung Quốc China Daily đưa tin.
Giai đoạn 2010-2015, thế giới có 584 bệnh nhân dịch hạch tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Riêng năm 2017, thế giới có 219 triệu người mắc sốt rét, trong đó có 435.000 ca tử vong.
Các thanh tra dịch hạch trên một con phố của Hong Kong vào khoảng năm 1890. (Ảnh: Getty Images).