Dải Ngân hà có thể lớn hơn phỏng đoán trước đó và có cấu trúc xuyên tâm phức tạp hơn. Đây là kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Vân Nam (Trung Quốc) và một số viện nghiên cứu quốc tế công bố mới đây trên tạp chí Nature Astronomy.
Các hành tinh, ngôi sao và thiên hà ngoài vũ trụ thể hiện vẻ đẹp của việc khám phá không gian. (Ảnh minh họa: theweek.in).
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu quang phổ để xây dựng mật độ phân bố xuyên tâm của các vì sao từ bên trong đến bên ngoài của Ngân hà, để từ đó đánh giá kích thước bán kính của Ngân hà. Kết quả cho thấy cấu trúc tại khu vực rìa tuân theo nguyên tắc phân phối của hàm số mũ, trong khi khu vực bên trong vẫn gần như phẳng.
Theo nhà nghiên cứu Lian Jianhui của Đại học Vân Nam, phát hiện này khác với giả thiết lâu nay về một cấu trúc đĩa có mật độ phân phối theo hàm mũ đơn của Ngân hà. Ông Lian cho biết nghiên cứu có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá các tính chất vật lý quan trọng của Ngân hà. Dựa trên giả thiết trước đây, ước tính phần bán kính chứa một nửa ánh sáng của Ngân hà có kích thước khoảng 10.000 năm ánh sáng. Bán kính này nhỏ hơn đặc biệt so với các thiên hà có khối lượng tương đương và do đó, Ngân hà được xếp loại là thiên hà đặc.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lian, dựa trên mật độ phân bố phức tạp mà nghiên cứu chỉ ra, phần bán kính trên có kích thước 19.000 năm ánh sáng, gần tương đương với bán kính của các thiên hà lân cận có khối lượng tương đương. Điều này cho thấy xét về kích thước, Ngân hà là một thiên hà đĩa điển hình. Nghiên cứu này góp phần tăng thêm hiểu biết cấu trúc chung và quá trình tiến hóa của Ngân hà.