Phát hành trên Tạp chí khoa học nổi tiếng của Mỹ tuần qua, các nhà khoa học tới từ Đài thiên văn vũ trụ thuộc Đại học Tổng hợp Warszawa đo khoảng cách hàng nghìn ngôi sao thay đổi độ phát sáng trong Dải Ngân hà, hay còn gọi là sao biến quang, để xác định tọa độ của chúng.
Bằng cách so sánh và tổng hợp dữ liệu độ sáng của sao biến quang, các nhà khoa học Ba Lan xây dựng nên bản đồ có độ chính xác nhất từ trước tới nay về Dải Ngân hà.
Với khoảng 250 tỉ ngôi sao, Dải Ngân hà không phẳng như mọi người nghĩ mà nó cong vênh hình chữ S. (Photo:J. Skowron).
Theo bản đồ được phác họa 3 chiều, thiên hà của chúng ta không phải là một đĩa phẳng, mà nó có bốn nhánh xoắn ốc, với một chiều uốn cong lên trên và chiều kia thì uốn cong xuống dưới giống như hình chữ S. Độ dày của đĩa không giống nhau, nó loe về phía rìa của nhánh xoắn, được mô tả giống như hai ống quần bò của những năm 1970.
Nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng, những sao biến quang có tuổi đời non trẻ hơn, thường nằm gần trung tâm Dải Ngân hà, còn những sao biến quang có tuổi đời già hơn thì ở xa. Mô phỏng trên máy tính cho thấy, đã xảy ra các sự kiện hình thành các vì sao cách đây 64 - 175 triệu năm, từ đó dẫn tới sự hình thành các sao biến quang như ngày nay.
Theo Tạp chí Khoa học, nghiên cứu giúp các nhà khoa học nhìn nhận về thiên hà theo cách hoàn toàn mới. Trong nhiều năm, các nhà thiên văn học phải dựa vào các phép đo từ các thiên hà khác để suy ra kích thước và hình dạng của Dải Ngân hà.
Tuy nhiên, những dữ liệu mới, bao gồm bản đồ sao biến quang của các nhà nghiên cứu Ba Lan và bản đồ hàng tỷ ngôi sao được vệ tinh Gaia châu Âu chụp lại, đang giúp các nhà thiên văn xác định vị trí của chúng ta trong số các vì sao trên bầu trời.