Đằng sau cái chết bí ẩn của cá tầm Canada

11 con cá tầm đột ngột chết hàng loạt trên sông Nechako (Canada) chỉ trong vài ngày, khiến các nhà khoa học bối rối và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng.

Khi phát hiện xác cá tầm đầu tiên trên sông Nechako, tỉnh Bristish Columbia, vào đầu tháng 9, Nikolaus Gantner và 2 đồng nghiệp đã nhanh chóng lên một chiếc thuyền, vượt dòng chảy siết để điều tra hiện tượng nghiệt ngã này, theo Guardian.

Nhiều ngày sau, họ phát hiện xác của 10 con cá tầm khác trôi dọc theo một đoạn sông dài 100 km ở miền Tây Canada.

11 con cá tầm trắng - loài có nguy cơ tuyệt chủng - đã chết một cách bí ẩn trong khoảng thời gian ngắn, khiến các nhà sinh vật học bối rối.

Cái chết bí ẩn

Loài cá này gần như không thay đổi qua 200 triệu năm. Chúng vẫn là những kẻ săn mồi không răng, lướt đi một cách duyên dáng dưới một số ít con sông ở British Columbia.

Để di chuyển trong vùng nước âm u, cá tầm nhẹ nhàng lướt những sợi râu từ miệng của chúng dọc theo đáy sỏi.


Cá tầm trắng ở sông Fraser, British Columbia, Canada. (Ảnh: Alarmy).

Cá tầm trắng, với phần thân được bao bọc bởi 5 phiến xương riêng biệt được gọi là scutes, trông giống cá tiền sử. Con lớn nhất từng được ghi nhận dài hơn 6 m và một con khác, được cho là 104 tuổi, nặng gần 816 kg.

“Khi nhìn thấy một cái đầu khổng lồ xuất hiện trong làn nước âm u, thật khó tin khi loài động vật hùng vĩ này còn sống. Và hầu hết chúng đều già hơn chúng ta", Gantner, một nhà sinh vật học cấp cao trong chính quyền British Columbia, cho biết.

Những cái chết liên tiếp xảy ra đã khiến Gantner và các đồng nghiệp bất ngờ.

“Tôi rất đau buồn. Trong vài tuần qua, tôi cảm thấy như đang trải qua nỗi thương tiếc”, anh nói. Mỗi lần anh và các đồng nghiệp chuyển những xác cá khổng lồ từ bờ biển vào tủ đông và lên bàn mổ, anh lại cảm thấy đau nhói.

“Tôi không nghĩ tôi có cảm giác như vậy với những con cá khác”, anh nói thêm.

Cho đến nay, không có câu trả lời rõ ràng cho cái chết của những con cá tầm này. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu chấn thương hay bằng chứng về việc tiếp xúc hóa chất, bệnh tật.

“Dù là gì, nó cũng ảnh hưởng đến những con cá tầm lớn chứ không phải các loài khác. (Hiện tượng này) bị giới hạn về thời gian và không gian tại một địa điểm. Vì vậy, điều đó cung cấp cho chúng tôi một số manh mối”, Steve McAdam, nhà sinh vật học thuộc cơ quan quản lý đất đai, nước và tài nguyên khu vực, cho biết.

Những cái chết ở Nechako đặc biệt đau đớn đối với McAdam, người đã nghiên cứu một vụ tương tự ở hạ lưu sông Fraser, vào năm 1993 và 1994, với 36 con cá chết trong 2 năm.

McAdam cho biết một loạt thử nghiệm sau đó không thể đưa ra kết luận. Các sự kiện xảy ra trong các hệ sinh thái khác nhau, cách nhau hàng trăm km, cung cấp manh mối hạn chế cho các nhà điều tra.

Hiện nay, thời gian thu hồi cá tầm chết trước khi chúng phân hủy và đánh mất các manh mối có giá trị ngày càng hạn hẹp, do đó, nhóm điều tra đã kêu gọi công chúng giúp đỡ.

Một loạt giả thuyết đã được đưa ra, bao gồm cả tình trạng nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên, McAdam cho biết không có hiện tượng cá chết tương tự trong những mùa hè nóng nực trước đây.

“Chúng tôi đang cố giữ một tinh thần cởi mở và không chỉ tập trung vào một con đường”, anh nói.

Lời cảnh báo

Trước khi xảy ra vụ chết chóc bí ẩn, cá tầm trắng đã gặp nhiều khó khăn và được xếp vào danh sách các loài nguy cấp cấp liên bang.

Trong thế kỷ qua, số lượng cá tầm ở sông Nechako đã giảm từ hơn 5.000 xuống 500. Ngay sau khi một con đập được xây dựng trên sông Nechako vào năm 1957, loài cá này đã trải qua cái mà các nhà sinh vật học gọi là “thất bại” duy trì nòi giống.


Sông Nechako, nơi số lượng cá tầm giảm từ 5.000 xuống 500 con trong thế kỷ qua. (Ảnh: Alamy).

Các tác động của con người đã dẫn đến sự suy thoái và thu hẹp môi trường sống của cá tầm ở nhiều nơi trên thế giới.

Ở Trung Quốc, cá tầm thìa bị xác nhận đã tuyệt chủng trong báo cáo được công bố hôm 21/7 của Liên minh Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN), phần lớn do tác động của con người, theo National Geographic.

Tại British Columbia, trên tất cả dòng sông nơi cá tầm từng phát triển mạnh, các con đập cũng đã “tàn phá” quần thể này.

Từ năm 2001, British Columbia đã cố gắng phục hồi loài cá này. Họ kêu gọi sự tham gia của các nhóm nhà sinh vật học cấp tỉnh và liên bang, cùng các ngành liên quan đến môi trường sống của cá tầm, chẳng hạn các nhà khai thác đập thủy điện.

Tỉnh này cũng dành 10 triệu USD để xây dựng và vận hành một trung tâm bảo tồn cá tầm trên sông Nechako ở Vanderhoof, theo Globe and Mail.

Tuy nhiên, cái chết đột ngột của 11 cá thể mới đây phản ánh một xu hướng trên toàn thế giới: Cá tầm đã trở thành loài cá bị đe dọa nhiều nhất.

Toàn bộ 26 loài cá tầm còn tồn tại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chúng là nạn nhân của việc đánh bắt quá mức. Vì trứng của một số loài, chẳng hạn cá tầm beluga, được đánh giá cao như trứng cá muối. Và môi trường sống của chúng cũng đang dần biến mất.

Việc cá chết đột ngột khiến các nhà sinh vật học bất ngờ một phần vì cá tầm trắng đã được nghiên cứu và theo dõi chặt chẽ trong 3 thập kỷ qua, chính vì tình trạng bấp bênh của chúng.

“Chỉ trong vòng một tuần, điều này đã xảy ra. Chúng tôi có thêm một câu hỏi lớn, thực sự bối rối”, Gantner nói.

Cả Gantner và McAdam đều hy vọng sự kiện lần này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn cho các nhà sinh vật học về những gì đã xảy ra và cách ngăn chặn viễn cảnh tương tự.

“Chúng tôi chưa bao giờ thử nghiệm loại bỏ chúng hoàn toàn và chứng kiến ​​tầm quan trọng thực sự của cá tầm đối với hệ sinh thái. Theo quan điểm cá nhân, tôi không nghĩ chúng ta muốn điều đó xảy ra”, McAdam chia sẻ.

Cập nhật: 05/10/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video