Đập thủy điện sẽ xóa sổ loài cá hồi lớn nhất Thái Bình Dương?

Dòng nước ấm lên liên tục, cộng với tác động từ các đập thủy điện khiến quy mô loài cá hồi lớn nhất Thái Bình Dương suy giảm mạnh và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Chỉ còn 2%


Một con cá hồi Chinook vượt thác Dagger, Idaho (Mỹ) - (Ảnh: ALAMY).

Chinook (tên khoa học: Oncorhynchus tshawytscha) là loài cá hồi đặc trưng ở vùng Bắc Mỹ, được chia thành nhiều chủng loại như cá hồi mùa xuân, mùa hè và mùa thu...

Loài cá này thường sống ở vùng biển từ vịnh San Francisco đến phía bắc eo biển Bering từ 1-5 năm trước khi ngược dòng về sinh sản trong vùng nước ngọt. Sau khi được 12 - 18 tháng tuổi, cá hồi sẽ xuôi dòng xuống ra biển sinh trưởng và chờ đến lúc bắt đầu chu kỳ sinh sản tiếp theo.

Những năm gần đây số lượng cá hồi Chinook tự nhiên đã suy giảm đáng kể. Chẳng hạn ở đoạn trung lưu sông Salmon, nếu những năm 1950 vào mùa xuân hè thường có 45.000 - 50.000 con cá hồi tìm về đẻ trứng thì nay con số đó chỉ còn vỏn vẹn 1.500.


Hẻm núi Impassable trên đoạn sông Salmon là thử thách cá hồi phải vượt qua trên đường ra biển và trở về - (Ảnh: ALAMY).

Cạnh đó, hệ thống sông Columbia cũng ghi nhận số lượng cá hồi "rơi" tự do. Trước thế kỷ 20, các nhà khoa học ước tính có 10 - 16 triệu cá hồi di chuyển hằng năm quanh hệ thống sông này, từ biển vào đất liền và ngược lại nhưng hiện chỉ còn khoảng 2% trong số đó, vào khoảng 200.000 - 320.000 con.

Russ Thurow - nhà thủy sản học từ Trạm nghiên cứu núi Rocky - cho biết sông Columbia vốn nổi tiếng là nơi sinh sống đặc trưng của cá hồi Chinook, giờ đứng trước nguy cơ sẽ mất loài này vĩnh viễn.

"Khó nói lắm nhưng có thể cá hồi Chinook khu vực Bắc Mỹ chỉ còn tồn tại trong 4 thế hệ nữa là khoảng 20 năm" - ông Thurow nói.

Không những Chinook, 13 loài cá hồi khác sinh sống trong lưu vực sông Columbia cũng đang gặp nhiều nguy hiểm, trong đó nhiều loài đã nằm trong danh sách những loài cần được bảo vệ khẩn cấp.

Từ các con đập mà ra…


Đập Lower Granite - một trong những con đập bị chỉ trích cản đường di chuyển của cá hồi - (Ảnh: ALAMY).

Don Chapman - một nhà thủy sản học người Mỹ đã về hưu - cho biết nguyên nhân chính "bức tử" loài cá hồi lớn nhất Thái Bình Dương này chính là các đập thủy điện trên địa bàn.

Chỉ trên sông Columbia dài khoảng 2.000km đã có đến hơn 14 con đập thủy điện - chiếm khoảng 44% tổng sản lượng thủy điện của Mỹ. Hay dòng sông Snake cạnh đó cũng đang gánh hơn 15 con đập. Trong đó đoạn sông mà đa số cá hồi sống trên 2 dòng sông này có đến khoảng 8 con đập lớn.

Do đập thủy điện cản trở, cá hồi thường phải bỏ mạng trên hành trình ra biển sinh trưởng hay trở về sông sinh sản.

Chẳng hạn trên sông Snake, trước khi có 4 con đập khổng lồ trên đoạn sông nhiều cá hồi Chinook di chuyển, trong 100 con cá hồi trưởng thành ra biển thì ước tính có từ 3 - 6 con trở về sinh sản, tuy nhiên tỉ lệ hiện tại chỉ còn 1 con.

Nhiều sáng kiến thang vượt đập dành riêng cho cá hồi đã được xây dựng, bên cạnh ý tưởng hỗ trợ cá qua đập bằng xà lan hay xe tải, nhưng vẫn không thể cải thiện tình hình, dù các chương trình này đã tiêu tốn gần 16 triệu USD trong nhiều thập niên qua.


Thang vượt đập cho cá hồi - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Một nguyên nhân khác tác động đến cá hồi là do dòng nước ở sông, biển ấm dần lên trong khi loài cá này lại ưa nước lạnh. Nước ấm cũng làm giảm lượng sinh vật phù du trên các con sông, vốn là thức ăn của cá hồi. Theo ước tính, trong năm 2015 nhiệt độ ấm đã giết chết 250.000 con cá hồi đỏ.

Trước tình hình phức tạp hiện tại, nhiều tổ chức đã và đang ra sức vận động dỡ bỏ các con đập đang cản đường di chuyển của cá hồi ra biển nhưng vẫn chưa thành công. Theo Don Chapman, chừng nào chưa thể trả lại hiện trạng dòng sông như cách đây khoảng 30 năm, khi đó số lượng cá hồi, không chỉ loài Chinook mà nhiều loài khác, vẫn còn giảm.

"Chúng ta cần lựa chọn ngay trước khi quá muộn. Thủy điện làm giàu đất nước nhưng lại tác động tiêu cực đến tự nhiên, một nguồn lợi dài lâu - Don Chapman nói - Không còn các đập thủy điện sẽ còn nhiều cách khác tạo ra năng lượng nhưng cá hồi mất đi sẽ khó gầy dựng lại từ đầu".


Một con cá hồi Chinook được thả về đại dương - (Ảnh: Alan Berner).

Cá hồi là một loài quan trọng trong chuỗi thức ăn trong nhiều hệ sinh thái, cung cấp dinh dưỡng cho khoảng 137 loài như gấu, đại bàng, và cả những loài đang suy giảm số lượng như cá kình hay cá voi sát thủ… Xác cá hồi còn là nguồn photpho, nitơ… làm giàu cho thực vật, trong đó ¾ lượng rừng ở Alaska và British Columbia phát triển được là nhờ cá hồi.

Cập nhật: 24/10/2019 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video