Dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh ung thư vú

Ung thư vú là một trong những bệnh ác tính phổ biến nhất của phụ nữ trên thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, điều khác biệt với thế giới là tỷ lệ mắc có xu hướng trẻ hơn.

Theo PGS.TS.BS Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện K, Hà Nội, cho biết so với khu vực Âu Mỹ, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư vú cao nhất là ở lứa tuổi 55-60 trở lên. Nhưng tại nước ta, các bác sĩ gặp rất nhiều ở lứa tuổi 40.


Ung thư vú là một trong những bệnh ác tính phổ biến nhất của phụ nữ trên thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Vantagenews).

"Thậm chí, trong quá trình làm chuyên môn, chúng tôi đã từng gặp những trường hợp ngoài 20 tuổi đã mắc bệnh ung thư vú. Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020), ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp nhất với 21.555 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ gần 25,8% tổng số ca ung thư", PGS.TS.BS Lê Hồng Quang nói.

Triệu chứng cảnh báo

PGS.TS.BS Lê Hồng Quang cho hay ung thư vú thường xuất hiện với triệu chứng là có u cục ở tuyến vú. Thông thường, những u cục mới xuất hiện thường không gây đau nên bệnh nhân dễ chủ quan. Khối u thường phát triển âm thầm, tăng dần theo thời gian, đến một kích cỡ nhất định bệnh nhân mới lo lắng và đi khám.

Bên cạnh đó, chúng cũng xuất hiện với tình huống là xuất hiện hạch ở vùng nách, loét đầu núm vú, chảy dịch.

Ngày nay, với sự mở rộng của các chương trình sàng lọc, phát hiện sớm, không ít trường hợp ung thư vú có thể được phát hiện sớm khi chưa xuất hiện khối u.

"Những phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 có thể quan tâm đến sức khỏe của mình hơn bằng cách tham gia các chương trình thăm khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư, giúp tăng tỷ lệ điều trị khỏi cũng như chất lượng điều trị", PGS Quang nói.


Ung thư vú thường xuất hiện với triệu chứng là có u cục ở tuyến vú. (Ảnh: BVCC).

Theo vị chuyên gia này, trẻ thiếu niên có thể bắt đầu xuất hiện u xơ tuyến vú. Đối với ung thư vú, thông thường, bệnh có tỷ lệ cao xuất hiện ở lứa tuổi 40-55.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của ung thư vú cũng rất đa dạng.

  • Tuổi: Khi cơ thể càng cao tuổi, quá trình sửa chữa về đột biến, thương tổn kém đi, gây phát sinh ung thư.
  • Di truyền: Nếu gia đình có mẹ, chị em gái, dì ruột đã bị ung thư vú, người phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú rất cao.
  • Nội tiết: Những người phụ nữ lấy chồng, sinh con muộn hoặc không sinh đẻ cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn.
  • Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như có lối sống Âu hóa, ít vận động thể lực cũng được ghi nhận làm tăng tỷ lệ ung thư vú.
  • Phụ nữ qua độ tuổi mãn kinh, dùng thuốc nội tiết tố thay thế có thời gian kéo dài cũng cần lưu ý các biện pháp phát hiện ung thư sớm.

Theo PGS.TS.BS Lê Hồng Quang, hiện nay, ở Việt Nam, chúng ta khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú. Những trường hợp có nguy cơ cao từ gia đình nên chủ động khám sàng lọc sớm hơn nữa.

Người bệnh nên tin vào khoa học

"Với tình trạng sử dụng thuốc nam để đắp hoặc sử dụng các phương pháp không chính thống, chưa được chứng minh về mặt khoa học, chúng tôi có lời khuyên đối với bệnh nhân nên từ bỏ ngay suy nghĩ này. Bạn chỉ nên tin vào các phương pháp điều trị chính thống", ông nhấn mạnh.

Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện K, cho rằng thực tế điều trị trong hai, ba thập niên qua đã thấy những thành tựu về phẫu thuật, hóa chất, tia xạ, nội tiết, điều trị đích... trong ung thư vú cải thiện rõ rệt, thay đổi hoàn toàn quan điểm về điều trị so với trước.

Về dinh dưỡng, bệnh nhân mắc ung thư vú cũng sẽ tuân thủ theo chế độ ăn của bệnh nhân bị ung thư nói chung. Chúng ta nên có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, không quá kiêng khem loại thức ăn nào. Riêng với ung thư vú, bệnh nhân có nội tiết dương tính nên có kiểm soát về cân nặng, tránh để béo phì. Những chuyển hóa mỡ sẽ gây ra yếu tố không có lợi trong việc điều trị bệnh.


Các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC).

Theo PGS Lê Hồng Quang, điều trị ung thư vú là điển hình trong điều trị ung thư đa mô thức, các bác sĩ sẽ kết hợp nhuần nhuyễn giữa biện pháp phẫu thuật, điều trị tia xạ và toàn thân (hóa chất, điều trị nhắm trúng đích).

Việc sử dụng những biện pháp, thời điểm nào là do đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hội chẩn và căn cứ vào tình hình cụ thể của từng bệnh nhân để đưa ra quyết định.

Riêng về phẫu thuật ung thư vú, trong những thập niên trước đây, khi bệnh nhân đến với giai đoạn muộn và khoa học cũng chưa phát triển, đa số họ sẽ phải cắt bỏ tuyến vú. Tuy nhiên, gần đây, khi khoa học có nhiều tiến bộ hơn trong điều trị ung thư vú, những bệnh nhân đến với giai đoạn sớm có thể bảo tồn được tuyến vú. Họ vẫn chữa được ung thư và giữ được tuyến vú cho người bệnh.

"Điều này rất quan trọng, vì trong xã hội hiện đại, đặc biệt những người phụ nữ còn trẻ hoặc có đời sống xã hội, nhu cầu giao tiếp, hoạt động phong phú, việc giữ gìn được hình thái cơ thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh. Duy trì chất lượng sống của người bệnh cũng là mục tiêu rất quan trọng bên cạnh việc chữa khỏi bệnh", vị chuyên gia phân tích.

Ngoài những biện pháp phẫu thuật bảo tồn, đối với những trường hợp ung thư vú không có chỉ định bảo tồn hoặc là đã cắt tuyến vú, bác sĩ cũng phát triển phẫu thuật tái tạo tuyến vú cho người phụ nữ. Đây cũng là mảng phẫu thuật có nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Việc phẫu thuật tái tạo giúp ích rất nhiều cho người phụ nữ, mang lại sự tự tin cũng như chất lượng sống tăng lên.

Cập nhật: 30/05/2023 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video