Đây là con cá sấu già nhất thế giới

Cá sấu Henry ở Trung tâm Bảo tồn Crocworld sẽ tròn 124 tuổi cuối năm nay và là cha của hơn 10.000 con non trong vài thập kỷ qua.


(Video: Channel 5).

Ở độ tuổi ước tính là 123, Henry là cá sấu già nhất được biết tới trên thế giới. Với độ tuổi lớn, Henry cũng sở hữu kích thước khổng lồ. Con cá sấu đồ sộ dài hơn 5m từ mõm tới đuôi và nặng 700kg, theo IFL Science. So với nó, cá sấu sông Nile trung bình dài 4,5 m và nặng khoảng 410 kg. Bất chấp tên gọi, loài vật này sống ở phần lớn khu vực tại châu Phi.

Các nhà khoa học cho rằng Henry sinh vào năm 1900 trong đầm lầy ở châu thổ sông Okavango tại Botswana, theo Trung tâm Bảo tồn Crocworld ở Nam Phi, nơi nó sinh sống từ năm 1985. Sau khi tới Crocworld, Henry đã giao phối với ít nhất 6 con cái. Nhân viên chăm sóc con cá sấu ước tính nó trở thành cha của hơn 10.000 con non trong chưa đầy 40 năm. Ngày sinh nhật của Henry được ấn định là ngày 16/12, vì vậy nó sẽ bước sang tuổi 124 cuối năm nay. Tuy nhiên, do chào đời trong tự nhiên, không ai biết ngày sinh chính xác của nó.

Theo chương trình truyền hình Killer Crocs with Steve Backshall của Anh, Henry bị bắt vào năm 1903 bởi một người bắt voi tên Sir Henry, do đó con cá sấu cũng được đặt cùng tên. Henry trải qua phần lớn cuộc đời ở châu thổ sông Okavango, theo thông tin trên trang web của Crocworld. Hiện nay, nó đang chia sẻ môi trường sống cùng con cá sấu già khác tên Colgate, ước tính 90 tuổi.


Cá sấu Henry có kích thước đồ sộ.

Cá sấu có thể đạt độ tuổi 100 trong môi trường nuôi nhốt. Vài nhà khoa học cho rằng một số loài cá sấu bộc lộ sự trường sinh bất lão (negligible senescence) ở mức độ nào đó. Đây là thuật ngữ dùng để mô tả tổ chức sinh vật không thể hiện dấu hiệu lão hóa sinh học. Về mặt lý thuyết, cá sấu có thể không chết do tuổi già mà do tác động từ yếu tố bên ngoài như đói, tai nạn hoặc bệnh tật.

Cá sấu có tuổi thọ cực dài, đặc biệt so với những động vật khác cùng kích thước. Nhiều yếu tố góp phần làm giảm sự khỏe mạnh của cá sấu, dù một số nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân có thể liên quan tới tập hợp vi sinh vật khác thường trong ruột chúng. Theo các nhà nghiên cứu, do tầm quan trọng của hệ vi sinh vật đối với sinh lý của vật chủ, có thể hệ vi sinh vật đường ruột và/hoặc chất chuyển hóa của cá sấu sản sinh hợp chất góp phần vào sự bền bỉ và tuổi thọ của chúng.

Cập nhật: 27/09/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video