Một điều mà mọi người ít biết: Quá trình phân hủy thi thể bắt đầu từ trong ra ngoài.
Từ những người muốn hack vào hệ thống sinh học trong cơ thể mình, cho đến những người muốn đóng băng thi thể đã chết để cầu mong sự bất tử: Rõ ràng là không ít người trong số chúng ta ngày nay vẫn đang đi kiếm tìm một sự sống vĩnh viễn.
Tuy nhiên, theo Maria Dominguez-Bello, một nhà vi sinh học người Mỹ, con người chẳng phải kiếm tìm đâu xa, thực sự thì chúng ta vốn đã làm được. Trên một vài phương diện nhất định, mọi con người đều vẫn còn "sống", theo nghĩa "tồn tại" sau cái chết.
Sự bất tử của con người ngay cả sau khi thi thể đã phân hủy.
Từ một thi thể phân hủy...
Dominguez-Bello đã dành nhiều năm trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu hệ sinh vật người (microbiome). Đó là tập hợp của hơn 39 ngàn tỷ những vi sinh vật sống trên cơ thể chúng ta bao gồm nấm, vi khuẩn và virus…
Bà nói rằng khi chúng ta chết, chúng ta thực chất sẽ được trở về với tự nhiên. Nhưng quá trình này mất bao lâu là một câu hỏi phức tạp.
Lượng thời gian cần thiết để một cơ thể phân hủy phụ thuộc vào nhiều biến số, chẳng hạn như thi thể đó được chôn sâu hay nông, nhiệt độ của Trái Đất trong khu vực đó, tính chất đất và những loài côn trùng hiện diện trong đó.
Lấy ví dụ tại sa mạc Arizona, các nhà khoa học tính toán được khoảng thời gian 9 tháng là đủ để khiến bộ xương của một người chết bắt đầu vỡ vụn.
Hơn nữa, vì sự phân hủy của con người là một quá trình bắt đầu từ trong ra ngoài, nó còn phụ thuộc vào hệ vi sinh vật còn sống trên cơ thể mỗi người sau khi chết.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng một số bộ phận của cơ thể người có thể phân hủy chậm hơn hoặc nhanh hơn các bộ phận khác, khiến cho việc trả lời câu hỏi "Khi nào thì cơ thể một người phân hủy hết?" còn trở nên phức tạp hơn nữa.
Lượng thời gian cần thiết để một cơ thể phân hủy phụ thuộc vào nhiều biến số.
Nhưng khi một người chết đi, đối với tự nhiên thì chẳng có gì thực sự kết thúc. Đó còn là thời điểm khởi động của một phản ứng dây chuyền điên cuồng và bất tận.
Dominguez-Bello cho biết quá trình phân hủy của thi thể không diễn ra ở môi trường xung quanh, mà từ ngay trong bản thân thi thể đó.
"Khi bạn chết, bạn không còn ràng buộc nào nữa, cũng không còn hệ thống miễn dịch", bà nói. "Bạn sẽ trở thành thức ăn cho những con vi khuẩn của chính bạn trước tiên, sau đó mới đến vi khuẩn trong đất".
Khi sinh thời, hệ miễn dịch của chúng ta là một mạng lưới kết nối các mô, cơ quan và tế bào, giúp chúng ta chống lại các tác nhân ngoại lai như virus và vi khuẩn xâm nhập.
Trong khi chúng ta còn sống và khỏe mạnh, những kẻ xâm lược phải khó khăn lắm mới chiến thắng được hàng phòng thủ này. Nhưng tình thế bắt đầu thay đổi sau hơi thở cuối cùng của chúng ta, vì hệ thống miễn dịch khi đó cũng đã bị tắt.
Đó là lý do tại sao một xác chết bị phân hủy, nhưng theo một nghĩa nào đó, đó cũng là cách mà cơ thể chúng ta vẫn còn "sống" theo nghĩa "tồn tại" sau khi chết.
...đến những sự sống còn sót lại
Nơi mà một thi thể người chết bị chôn vùi, ở nơi đó, những phân tử từng thuộc về cơ thể họ vẫn còn thở, Dominguez-Bello nói. "Bạn biết đấy, những cái cây đang phát triển nhờ vào cơ thể của họ. Và đó trên góc độ thi ca thì họ vẫn còn tồn tại".
Câu chuyện tương tự đúng với cả các thi thể hỏa táng. "Tất cả các chất hữu cơ, carbon, hydro, oxy và nitơ sẽ đi vào không khí", Dominguez-Bello nói. "Vì vậy, mọi người vẫn đang hít thở nó. Các động vật hít thở nó, và các chất vô cơ quay trở lại đất".
Có một cách khác mà vi khuẩn của chúng ta vẫn còn sống sau khi chúng ta chết: Nếu một phụ nữ có con, hệ vi sinh vật từng sống trên cơ thể cô ấy sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai. Đó là bởi vì các vi khuẩn "sống trên cơ thể phụ nữ cũng sẽ xâm chiếm ống âm đạo", Dominguez-Bello giải thích. Đó là cách các bà mẹ truyền lại hệ vi sinh vật độc đáo của mình cho con cái.
"Bất cứ con người nào cũng được các bà mẹ gieo lại những hạt giống vi khuẩn", Dominguez-Bello nói. "Quá trình bắt đầu từ lúc họ chuyển dạ và sinh".
Vậy là nếu một người phụ nữ có con và chết đi, hệ vi sinh vật người là một trong những cách để nói rằng một phần cơ thể cô ấy vẫn còn sống và tồn tại. Không chỉ có các DNA mà cô ấy truyền lại cho con mình mà còn là những vi khuẩn mà cô ấy đã gieo lại vẫn còn sống.
Những vi khuẩn này đóng vai trò một trong những thành phần quan trọng đầu tiên của hệ thống miễn dịch, thứ vẫn đang giữ cho con của cô ấy, cũng như tất cả chúng ta còn sống và tiếp tục sống.
Một nửa của chính chúng ta vẫn còn sống, đó là các vi sinh vật.
Ngày nay, khi các nhà khoa học biết rằng hệ vi sinh vật người chiếm tới một nửa số tế bào trên cơ thể bạn, họ bắt đầu xem xét lại quan niệm triết học về khái niệm con người. Họ cho rằng cơ thể người không chỉ là một sinh vật đơn lẻ.
Hóa ra một nửa của 70 ngàn tỷ tế bào của chúng ta không phải của chúng ta. Chúng là những vi sinh vật. Hệ vi sinh vật người có ảnh hưởng đến não bộ, hệ thống miễn dịch và cả sự biểu hiện gen của chúng ta.
Đó là lý do một số nhà khoa học từng đề xuất chúng ta nên xem xét "con người" là một "megaorganism", một siêu tổ chức, siêu cơ thể được cấu thành từ 1 con người và hàng nghìn tỷ vi sinh vật khác.
Nếu vậy thì, khi một con người đó chết đi, thực chất, một phần nửa của họ vẫn còn tồn tại thậm chí được truyền sang cho con cái, đó chính là những vi sinh vật.