Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã ghi nhận được dấu hiệu hoạt động của siêu sao chổi C / 2014UN271, chính là vầng hào quang khí bụi huyền ảo được tạo ra bởi hiện tượng thăng hoa.
Theo Daily Mail, các nhà thiên văn học New Zealand đã phát hiện dấu hiệu về "đầu sao chổi", tức "coma" (là "tóc" trong tiếng Hy Lạp) của sao chổi đang lan rộng. Đó là một hiện tượng tự nhiên của sao chổi khi tiến gần đến Mặt trời và các vật chất bề mặt của nó bắt đầu thăng hoa dưới tác động từ ngôi sao mẹ khổng lồ của chúng ta.
Vì thế các sao chổi đến gần Mặt trời và Trái đất thường trở nên tuyệt đẹp, sở hữu một vầng hào quang kỳ ảo làm bằng khí và bụi. Tuy nhiên các tác giả - dẫn đầu bởi Đại học Canterbury của New Zealand - cũng cho hay nó vẫn quá xa xôi để có thể quan sát bằng mắt thường.
Dự kiến phải đến tháng 1 năm 2031, ngôi sao chổi này mới đến gần Trái đất nhất sau 600.000 năm, khi nó chỉ còn cách Mặt trời tương tự sao Thổ.
Siêu sao chổi đang tiến gần Mặt trời - (Ảnh đồ họa từ NOIRLab/NSF/AURA/J.da Silva).
Theo Sci-News, siêu sao chổi này ước tính có đường kính từ 100 - 200km, to khoảng 1.000 lần so với các sao chổi thông thường và là sao chổi khổng lồ nhất nhân loại từng ghi nhận. Nó còn có tên là sao chổi Bernardinelli-Bernstein, lấy từ tên 2 nhà thiên văn học Pedro Bernardinelli và Gary Bernstein, những người đã phát hiện ra nó từ dữ liệu của Dark Enegy Survey.
Trong lần quan sát mới này, nhóm nghiên cứu từ Đài quan sát Las Cumbres ở New Zealand đã mất dấu siêu sao chổi khi nó bị che khuất bởi một vệt mờ từ vệ tinh. Nhưng may mắn Las Cumbres vốn là một mạng lưới kính thiên văn robot kết nối khắp thế giới, nên họ đã nhanh chóng chuyển góc độ sang Đài quan sát Las Cumbres ở Nam Phi và bắt được khoảnh khắc "sống dậy" của siêu sao chổi.