Tia nắng mặt trời gây nên nhiều dạng tổn thương cho da, nhưng ánh sáng đỏ của diode phát quang có thể giúp chúng ta loại bỏ chúng.
Andrei Sommer và Dan Zhu thuộc Đại học Ulm (Đức) đã nghiên cứu phản ứng giữa phân tử nước với các chất trong da suốt nhiều năm. Họ nhận thấy khi phân tử nước tới gần một chất kị nước thì tạo thành một lớp màng trong và trơn, nhưng nếu gần chất háo nước thì tạo thành hỗn hợp dính như keo.
Elastin, loại protein hình sợi giúp da có đặc tính đàn hồi có thể chống hiện tượng nhăn da, vốn là là một chất kị nước. Nhưng khi tuổi của chúng ta tăng lên, các axit béo, amino axit và các muối can-xi bám lên các sợi elastin khiến chúng trở nên ưa nước. Do đó phản ứng giữa elastin và nước tạo thành hỗn hợp có đặc tính giống keo. Hỗn hợp này bám vào các mô xung quanh và khiến tính đàn hồi của elastin suy giảm.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ánh sáng đỏ (với bước sóng khoảng 670 phần tỉ mét) có thể khiến các phân tử nước gần elastin trở nên cơ động hơn, nhờ đó mà lượng hỗn hợp giống keo giảm đi.
Hai nhà nghiên cứu Sommer và Zhu đã dùng các bóng diode phát quang (LED) để chiếu sáng vùng da quanh mắt 90 giây mỗi ngày. Thử nghiệm được thực hiện trong 10 tháng. Kết quả cho thấy hiện tượng nhăn ở vùng da được chiếu sáng giảm đáng kể so với vùng da không được chiếu sáng.