Đeo khẩu trang y tế thường xuyên có ảnh hưởng da?

Đeo khẩu trang y tế thường xuyên có gây kích ứng da không? Nên đeo khẩu trang như thế nào để vừa phòng bệnh vừa không ảnh hướng tới da?

TS.BS Lê Thái Vân Thanh - trưởng khoa da liễu, thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM  - cho biết khẩu trang y tế là loại khẩu trang giấy không thấm hút, thường cấu tạo 2-3 lớp trở lên: 1-2 lớp giấy dạng lưới ở bên ngoài, 1 lớp giấy dày hơn ở trong.


Người dân đeo khẩu trang khi đi mua sắm ở trung tâm thương mại - (Ảnh: T.T).

Khẩu trang y tế thường được dùng để cản dịch tiết, vi khuẩn từ miệng, đường hô hấp của người mang mầm bệnh bắn ra ngoài khi nói chuyện, hắt hơi, làm giảm lây bệnh cho những người xung quanh.

Việc tiếp xúc bề mặt trong của khẩu trang y tế hiếm gây viêm da kích ứng mà có thể gây viêm da do bị cọ xát, tì đè.

Tuy nhiên do khẩu trang không thấm hút, loại da nhờn có thể bị ứ đọng tích tụ chất bã nhờn trên da sau khi đeo khẩu trang một thời gian dài (trên 30 phút). Hệ lụy là da bị đỏ, tróc vảy mịn, ngứa rát do cọ xát; hoặc bị tăng nặng tình trạng nhờn, mụn trứng cá, các viêm da do chất bã nhờn...

Để giảm thiểu tình trạng này, người đeo có thể lót thêm lớp thấm hút mịn, cụ thể là hai bên má, để giúp làn da tránh bị tác động do việc chuyển động nhẹ của khẩu trang theo nhịp thở, cử động nói... và tránh bị ứ đọng chất bã nhờn, mồ hôi trên bề mặt da.

Dưới đây là 3 vấn đề về da thường gặp phải khi đeo khẩu trang trong thời gian dài và cách khắc phục nó để có thể vừa an toàn khi đeo khẩu trang chống dịch, vừa bảo vệ được làn da.

1. Mụn trứng cá


Không nên dùng tay để nặn, bóp mụn. Hạn chế ăn đồ ăn cay, nóng, có tính kích thích và đồ ngọt.

Đeo khẩu trang để che kín gần hết khuôn mặt, bởi vậy các bộ phận như má, mũi, miệng gần như bị “đóng kín”, không chỗ hở. Khi chúng ta hô hấp, hơi thở thở ra sẽ tạo nên độ ẩm nhất định.

Lúc này, với môi trường ẩm cao, vi khuẩn sẽ lợi dụng để sinh sôi, phát triển. Do đó, các tuyến bã nhờn của lông nang bị tắc nghẽn, gây ra triệu chứng mụn trứng cá và làm các mụn trước đó trở nên trầm trọng hơn.

Cách khắc phục:

Bạn nên rửa mặt thường xuyên vào buổi sáng và tối. Nếu trang điểm hay thoa kem chống nắng, bạn phải tẩy trang sau khi trở về nhà, sau đó lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp với da rồi rửa sạch. Không nên dùng tay để nặn, bóp mụn. Hạn chế ăn đồ ăn cay, nóng, có tính kích thích và đồ ngọt.

Nếu bạn bị mụn trứng cá nhẹ như mụn đầu trắng hay mụn đầu đen, có thể sử dụng thuốc mỡ axit retinoid (nên sử dụng trước khi đi ngủ). Trong trường hợp các tổn thương trên da tồi tệ hơn như lên mụn đỏ hay mụn có mủ, bạn có thể sử dụng thêm thuốc kháng sinh tại chỗ, tuy nhiên cần có sự tư vấn của bác sĩ để có cách xử lý chính xác nhất. Bên cạnh đó, chú ý rửa tay sạch sẽ trước khi bôi thuốc.

2. Dị ứng


Nếu có làn da nhạy cảm, bạn nên đọc hướng dẫn trước khi sử dụng khẩu trang, tránh những thành phần gây dị ứng.

Trong tình hình dịch bệnh, nhiều người tiêu dùng đã bị lừa mua những sản phẩm khẩu trang kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh, an toàn. Nếu chúng ta vô tình sử dụng những loại khẩu trang “rởm” đó, chúng có thể khiến da mặt bị dị ứng, khó chịu như ngứa, mẩn đỏ, nổi mụn.

Đối với các triệu chứng nghiêm trọng, nên nghe theo sự tư vấn của bác sĩ, không tùy tiện sử dụng thuốc để tránh làm tình trạng thêm nghiêm trọng.

Cách khắc phục:

Bạn nên lựa chọn khẩu trang của các cơ sở sản xuất uy tín. Nếu có làn da nhạy cảm, bạn nên đọc hướng dẫn trước khi sử dụng khẩu trang để xem có thành phần nào trong khẩu trang có khả năng gây dị ứng hay không.

3. Các vết hằn, vết lõm trên mặt

Đeo khẩu trang trong một thời gian dài, da mặt sẽ bị áp lực, bị cọ xát, đặc biệt là vùng da phía sau tai, sống mũi hoặc má. Từ đó sẽ hình thành các vết hằn, vết nhăn in lên da.

Cách khắc phục:

Bạn nên chọn những loại khẩu trang có độ đàn hồi vừa phải, một lần sử dụng tối đa trong vòng 6 tiếng.

Nếu điều kiện cho phép, bạn có thể tạm thời tháo khẩu trang ở nơi thoáng khí, giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu trên khuôn mặt. Ngoài ra, trước khi đeo khẩu trang, chúng ta có thể thoa một ít kem dưỡng ẩm có chứa oxit kẽm hoặc vaseline lên mặt, có thể làm giảm kích ứng và ma sát do các cạnh của khẩu trang gây ra.

Đối với các bầm da, lõm nhẹ thì thường không cần điều trị. Nếu vết hằn, lõm tương đối nặng, thậm chí ứ máu cục bộ, bạn có thể chọn một số loại thuốc mỡ để cải thiện lưu thông máu. Nếu các vấn đề về da nghiêm trọng hơn như bị đỏ, loét thì nên sử dụng thêm thuốc mỡ kháng sinh, hoặc dán thêm băng y tế, băng urgo để tránh kích thích vết thương.

Ngoài ra, tùy vào tình trạng da mà có cách chăm sóc da sau khi sử dụng khẩu trang đúng cách. Bước làm sạch da rất quan trọng, chọn sữa rửa mặt nhẹ nhàng, không có chất tẩy rửa để làm sạch da, thoáng lỗ chân lông, ngăn nhờn tích tụ; sau đó da cần được bảo vệ chống nắng và cung cấp dưỡng ẩm vừa đủ cho da.

Động tác chăm sóc da cần nhẹ nhàng tối đa, rửa mặt nhanh, không nên dùng nước nóng hay ấm mà nước mát bình thường… để da gần với môi trường tự nhiên nhất có thể.

Việc sử dụng khẩu trang y tế trong mùa dịch là cần thiết để phòng bệnh, nhưng cũng có thể sử dụng khẩu trang vải đảm bảo vệ sinh, giặt ủi thường xuyên, vừa giúp bảo vệ mình trước dịch bệnh vừa bảo vệ da hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc cung cấp nguồn dinh dưỡng từ bên trong không chỉ giúp da được nuôi dưỡng đúng và đủ mà còn tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại dịch bệnh. Uống nước đủ, ăn các loại rau xanh đảm bảo an toàn thực phẩm, các vitamin từ các loại trái cây... rất cần thiết trong mùa dịch cũng như thời tiết nắng nóng hiện nay.

Cập nhật: 12/03/2020 Theo VnExpress/kenh14
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video