Di chúc cho tài sản ảo

Ngoài của cải trên thực tế, những tài sản ảo tích cóp qua bao nhiêu năm hoạt động trên internet cũng được đưa vào di chúc của một số người.

Báo Telegraph vừa đưa tin tài tử gạo cội Bruce Willis đang cân nhắc khả năng kiện Apple với hy vọng có thể để lại cho con gái bộ sưu tập âm nhạc vô cùng giá trị trên iTunes. Với ngày càng có nhiều người mua sản phẩm truyền thông ảo trên mạng, quyền sở hữu đã trở thành vấn đề đau đầu cho các bên liên quan, sau khi chủ nhân của các tài khoản chợt nhận ra rằng họ không có quyền sở hữu thực sự đối với sách, phim ảnh, âm nhạc hoặc game dù bỏ cả đống tiền ra mua. Sau khi đầu tư nặng tiền như vậy, lẽ dĩ nhiên ai nấy đều muốn để lại cho con cháu khi mình qua đời.


Nếu không chuẩn bị, toàn bộ kho iTunes có thể bị mất trong trường hợp chủ tài khoản qua đời

Trong thời đại hiện nay, hầu như ai cũng tích lũy được một khối lượng lớn tài sản kỹ thuật số kha khá. Và khi họ qua đời, điều gì sẽ xảy ra đối với toàn bộ số tài sản ảo đó? Tất nhiên, khi viết di chúc, việc để lại cho người thân toàn bộ kho thư viện trên iTunes có vẻ khó khăn hơn chuyện trao cho họ bộ sưu tập bằng CD. Và theo thông tin từ Facebook thì “việc đó khá phức tạp”. Mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh có một chức năng giúp tưởng nhớ một người đã qua đời bằng cách cho phép người dùng tùy chọn tính năng “đã mất đi người yêu thương”. Thậm chí nó còn cho phép bạn tải lên mạng hình ảnh của người đã khuất. Facebook cũng cung cấp một dạng tập tin cho phép người dùng thông báo về cái chết của một người dùng khác, nhưng họ phải đưa ra các chứng cứ hợp pháp như giấy báo tử, cáo phó hoặc tin tức đã đăng trên báo chí.

Còn về phần Twitter, để đóng một tài khoản mà chủ nhân của nó đã phiêu diêu miền cực lạc, tiểu blog yêu cầu người liên quan gửi thông báo bằng thư điện tử hoặc fax, cùng giấy tờ chứng tỏ người đó đã qua đời. Một số trang như Amazon, Grooveshark và Foursquare không cung cấp bất cứ thông tin nào về cách thức khóa tài khoản của người chết. iTunes còn phức tạp hơn thế, khiến việc xác định quyền sở hữu dữ liệu chứa trong tài khoản của người đã khuất càng mù mờ hơn. Về vấn đề này, website DeceasedAccount.com liệt kê chính sách của hầu hết những mạng xã hội phổ biến, cùng các trang mạng nhận được sự tham gia đông đảo nhất. Tuy nhiên, cách đơn giản nhất để bảo đảm dữ liệu của bạn về đúng nơi mà bạn muốn, chẳng hạn như con cái, là lập di chúc kỹ thuật số.

Theo Fox News, SecureSafe là một trong số ít các công ty thành lập với mục tiêu kinh doanh mà theo nhiều người hiện nay là khá kỳ quặc: tư vấn cách con người có thể sử dụng dữ liệu của chính mình một khi họ từ giã cõi trần. Andreas Jacob, Giám đốc tiếp thị và thông tin của hãng SecureSafe, cho hay trong khi hầu hết dữ liệu của chúng ta có thể chẳng mấy quan trọng sau khi chết, vẫn có những tài liệu và mật mã vô cùng quan trọng. “90% dữ liệu của bản thân tôi có thể vô dụng, nhưng 10% còn lại chính là tài sản đáng giá mà tôi muốn trao lại cho vợ con, đồng nghiệp và gia đình”, Jacob cho biết. Ví dụ, tài khoản iTunes và Amazon của ông này có nạp sẵn tiền, và nó sẽ bốc hơi nếu như vợ con chẳng đăng nhập được.

SecureSafe hoạt động bằng cách cho phép người dùng tải toàn bộ tài liệu và mật mã vào tài khoản của họ, đồng thời đăng ký tên người thụ hưởng. Trong trường hợp người dùng qua đời, người thụ hưởng sẽ thực hiện các bước hướng dẫn lấy lại tất cả dữ liệu cần thiết để chắc chắn rằng không tài khoản ảo nào bị bỏ phí.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video