Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc được cảnh báo gần như chắc chắn sẽ lây ra các nước châu Á.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO), dịch tả lợn châu Phi khởi phát ở Trung Quốc hồi đầu tháng 8. Từ đó đến nay, dịch đã lan ra 18 trang trại và lò mổ thuộc 6 tỉnh nước này. Tại một số khu vực, phạm vi lây nhiễm trải dài hơn 1.000km2.
Hiện chưa có vắc xin tả lợn châu Phi. (Ảnh: Reuters).
Do thịt lợn rất phổ biến ở châu Á, FAO cảnh báo dịch tả lợn châu Phi "gần như chắc chắn" sẽ tấn công các nước khác, chủ yếu qua các sản phẩm thịt lợn đã qua hoặc chưa chế biến. Nguy hiểm hơn, việc đối phó, kiểm soát được đánh giá là "cực kỳ vất vả" bởi virus tả lợn có thể tồn tại hàng tháng trời trong các sản phẩm thịt cũng như thức ăn chăn nuôi.
Trước tình hình dịch bệnh, Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 38.000 con lợn đồng thời cấm vận chuyển lợn tại các ổ dịch. Động thái này khiến các trang trại không thể bán lợn còn thị trường rơi vào cảnh thiếu hụt. Giá thịt lợn ở miền nam Trung Quốc tăng vọt do nhu cầu tích trữ trước đợt nghỉ kéo dài một tuần vào tháng 10 tới đây.
Ngày 9/9, Nhật Bản xác nhận trường hợp tả lợn đầu tiên ở nước này sau 26 năm. Nước này lập tức tạm ngưng xuất khẩu thịt lợn và lợn rừng. Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản cho biết đây không phải là loại tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc.
Theo Reuters, bệnh tả lợn châu Phi được phát hiện ở châu Phi cách đây gần một thế kỷ. Nó thường gây tử vong ở lợn nhưng không hại con người. Hiện chưa có vắc xin tả lợn châu Phi.