Khi đau họng, nhiều người cho rằng do vùng hầu họng bị viêm nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế, đau họng có thể là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các nguyên nhân dẫn đến viêm họng, đau họng
Do thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Những người có thói quen sinh hoạt không khoa học, kém lành mạnh điển hình như việc lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, hút quá nhiều thuốc lá, uống quá nhiều nước đá lạnh, sử dụng đồ ăn cay nóng hoặc chiên rán có chứa nhiều dầu mỡ trong thời gian dài là nguyên nhân lớn và chủ yếu gây đau họng, viêm họng.
Môi trường ô nhiễm
Hiện nay, nhiều vùng bị ô nhiễm môi trường do khí thải nhà máy, khói bụi, chất đốt. Trong khi đó, con người thường xuyên phải sống trong môi trường ô nhiễm. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng khi người bệnh thường xuyên phải hít thở bầu không khí ô nhiễm sẽ dẫn đến tình trạng viêm họng, viêm đường hô hấp dai dẳng. Lúc này, người bệnh có thể kèm theo ho nhẹ, ho khan hoặc không ho.
Đặc thù công việc
Đặc thù công việc cũng dễ dẫn đến viêm họng, đau họng, một số ngành nghề nói quá nhiều, liên tục với cường độ âm thanh lớn trong thời gian dài. Ví dụ như nghề ca sĩ, giáo viên, nhân viên sale… là những công việc thường xuyên phải sử dụng giọng nói. Lúc này, người bệnh bị viêm họng là điều rất dễ dàng xảy ra.
Viêm họng, đau họng có thể là biểu hiện của nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cảm lạnh
Khi mắc cảm lạnh, dấu hiệu đầu tiên là đau họng, viêm họng. Đây được xem là bệnh lý rất phổ biến trong giai đoạn nắng nóng, thời tiết giao mùa khi thời tiết có sự thay đổi nóng lạnh đột ngột hoặc bị lây nhiễm ở mức độ nhẹ. Khi mắc người bệnh lúc này thường sẽ có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, người hơi ớn lạnh. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày nếu như người bệnh biết cách tự chăm sóc bản thân mà không cần sử dụng đến thuốc điều trị. Điều quan trọng là cơ thể phải luôn được giữ ấm.
Bệnh viêm họng hạt
Viêm họng hạt là tình trạng viêm họng mạn tính, viêm nhiễm kéo dài và dễ tái phát. Người bệnh chỉ có một vài triệu chứng ngứa hay vướng họng, thường hay khạc nhổ để cảm giác ngứa họng bớt đi. Đôi lúc, họng thấy khô rát khó chịu nhưng không có triệu chứng sốt như những bệnh tai mũi họng thông thường khác.
Bên cạnh cảm giác nuốt vướng là nuốt đau, bệnh nhân có cảm giác nóng cay trong họng kèm theo ngứa, ho cơn. Bệnh tuy không gây ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh nhưng gây khó chịu, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Giai đoạn này bệnh có thể sẽ kéo dài một cách dai dẳng và khó điều trị dứt điểm, sẽ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi và viêm amidan,....
Bệnh trào ngược dạ dày, thực quản
Trào ngược dạ dày, thực quản là một bệnh lý về hệ tiêu hóa do dịch vị axit bị dư thừa và thường xuyên bị đẩy trào ngược lên vùng miệng và họng. Đây là bệnh lý thường gặp, tuy nhiên triệu chứng khó nhận biết do thường bị nhầm lẫn với căn bệnh viêm họng thông thường khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy đau, khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Người bị trào ngược dạ dày thường kèm theo những triệu chứng như sau: Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, viêm đau họng, cảm giác khó chịu vùng cổ họng, đau rát họng và khó nuốt.
Cảm giác khó chịu vùng cổ họng, đau rát họng và khó nuốt là một trong những dấu hiệu của trào ngược dạ dày.
Những triệu chứng này có thể kiểm soát được bằng chế độ ăn thích hợp hoặc thuốc chống acid. Nếu bị thường xuyên hơn (chừng 2-3 lần/tuần) và kèm theo những biến chứng khác nặng hơn như viêm, loét, hoặc nuốt khó, cảm giác đồ ăn bị vướng ở họng... cần đi khám ngay.
Điều quan trọng cần biết là nếu tình trạng này nếu kéo dài, rất có thể không những viêm họng nặng hơn mà còn dẫn đến tổn thương như viêm xoang, viêm tai (đặc biệt ở trẻ em) và tiền ung thư của thực quản (bệnh barrett).
Có khối u thực quản
Người có khối u ở thực quản thường do nguyên nhân là những hoạt động tăng sinh bất thường hoặc rối loạn tế bào. Vì vậy, hầu như trường hợp mắc bệnh lý này thường bị viêm họng nhưng không kèm theo dấu hiệu ho và sốt.
Người bệnh sẽ thấy những triệu chứng khác như: Khàn giọng, khó nuốt và nuốt vướng. Đau họng, ho có đờm lẫn máu là dấu hiệu của bệnh lý khoang miệng, hô hấp, viêm nhiễm, ung thư. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán và có phác đồ điều trị kịp thời tránh để lâu, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Lời khuyên thầy thuốc
Nếu đau họng, viêm họng nhẹ có thể sử dụng phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh tại nhà bằng cách súc miệng bằng nước muối. Nước muối có khả năng diệt khuẩn, vì thế sẽ giúp làm sạch nhanh vùng mũi, miệng và niêm mạc họng. Nước muối còn có khả năng làm loãng dịch nhầy giúp mũi và họng thông thoáng nhanh hơn. Mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối ấm ít nhất 3 lần giúp cải thiện tình trạng viêm họng một cách nhanh chóng. Phương pháp này còn rất an toàn cho cả trẻ nhỏ.
Ngoài ra, nên uống nhiều nước ấm bởi vì chúng có khả năng làm loãng và tống dịch nhầy ra khỏi vùng miệng họng rất có hiệu quả. Hơn nữa, việc uống nước ấm khi đang bị viêm họng còn giúp vùng niêm mạc họng không bị kích ứng và bị viêm nhiễm nặng hơn. Chúng cũng làm cân bằng độ ẩm ở niêm mạc hô hấp, ngăn chặn sự hình thành và phát triển của vi khuẩn. Giúp người bệnh cảm thấy trở nên dễ chịu hơn.
Người bệnh tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khi đang bị viêm họng. Hạn chế ăn thực phẩm ngọt nhiều đường, đồ ăn cay nóng, khô cứng hoặc chứa nhiều dầu mỡ. Tránh ăn những loại đồ ăn gây kích ứng cổ họng như: Vừng, lạc, tôm có vỏ,…
Tránh tiếp xúc tối đa với những tác nhân dễ gây dị ứng như: Phấn hoa, lông động vật, môi trường nhiều khói bụi...
Bạn cần luôn rửa tay sạch sẽ với xà phòng nhiều lần trong ngày, giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách. Ngoài ra, người dân cần cân bằng thời gian làm việc cũng như luyện tập thể thao để giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe.
Duy trì thăm khám định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần để chủ động theo dõi và kịp thời phát hiện một số bệnh tiềm ẩn không mong muốn.