Khi mắc ung thư, câu hỏi "ăn gì - không ăn gì" là vấn đề mỗi người bệnh phải đối diện hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều thông tin sai lệch và không chính xác có thể gây bối rối và lo âu cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
1. Người bị ung thư không nên ăn đường
Trong những câu chuyện kể hàng ngày, chúng ta có thể dễ dàng nghe được một câu chuyện về căn bệnh ung thư: Người bệnh ung thư không nên ăn đường vì gia vị này có thể khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế là đường không làm cho các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.
Trước tiên, cần phải hiểu về hoạt động của đường trong cơ thể. Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như cơm, ngô, khoai sắn, các loại trái cây… có chứa chất dinh dưỡng có tên là carbohydrate, hay còn gọi là tinh bột.
Tất cả các tế bào, kể cả tế bào ung thư sẽ phụ thuộc vào lượng đường trong máu (glucose) để sản sinh năng lượng. Nhưng ăn nhiều đường không có nghĩa là tế bào ung thư tăng trưởng nhanh hay giảm đường cũng không khiến các tế bào ung thư "chậm lớn".
Tế bào ung thư tăng trưởng nhanh là do tính chất ác tính của nó. Hơn nữa, tế bào ung thư cũng không liên quan đến bột đường. Trong khi các mô cơ thể bình thường cần chất bột đường để thực hiện các chức năng hàng ngày. Vì thế, nếu không ăn tinh bột sẽ cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe.
Đường không làm khối u phát triển nhanh hơn.
2. Ung thư là một bản án tử hình
Đây là một trong những suy nghĩ phổ biến nhất về căn bệnh ung thư hiện nay. Nhiều người cho rằng việc mắc phải căn bệnh này sẽ dẫn đến án tử nhanh chóng và không thể chữa trị. Vì vậy ý chí của người bệnh và gia đình trở nên suy kiệt, héo mòn dẫn đến suy nghĩ việc chăm lo về tinh thần và dinh dưỡng trở nên thừa thãi, không cần thiết.
Tuy nhiên, người bệnh có chiến thắng được căn bệnh ung thư và sống trong bao lâu phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn phát triển bệnh, diễn biến điều trị, sức khỏe tổng thể và quan trọng nhất là làm thế nào sớm phát hiện, can thiệp y tế kịp thời.
Hầu hết ung thư đều có thể chữa trị được. Mặc dù là bệnh nguy hiểm nhưng 1/3 loại ung thư có thể phòng ngừa, 1/3 chữa khỏi (ở giai đoạn sớm), 1/3 kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn).
Tình trạng phổ biến trên đa số người bệnh ung thư hiện nay chính là cơ thể suy kiệt. Đây có thể là phản ứng phụ của quá trình điều trị hoặc do tâm lý chán nản, lo lắng của người bệnh nhưng phần nhiều là do chính khối u gây ra.
Khối u ác tính làm thay đổi chuyển hoá bình thường của cơ thể, làm cơ thể tiêu hoá năng lượng nhiều hơn, các tế bào, mô của cơ thể bị phá huỷ, bao gồm cả các khối cơ. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng.
Dinh dưỡng lúc này có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức theo được hết các liệu pháp điều trị nặng nề. Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: Đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước.
Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư. Hơn thế nữa, nên chiều theo khẩu vị của người bệnh, chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất.
Người nhà cũng nên khuyên người bệnh chịu khó vận động, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.
3. Không nên tẩm bổ cho người bệnh ung thư
Không ít người cho rằng người bệnh ung thư chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hóa chất... còn sau giai đoạn điều trị chỉ nên ăn gạo lức, muối vừng để cơ thể gầy yếu, không nuôi dưỡng khối u, nhằm làm khối u teo dần. Những quan niệm sai lầm này ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị, làm giảm thời gian sống của người bệnh, đồng thời làm tăng tỉ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tình trạng tử vong.
Chúng ta cũng có thể nghe được một số câu chuyện như người mắc ung thư không nên ăn trứng vịt lộn, bởi nó sẽ làm ung thư phát triển nhanh hay tái phát. Song, theo các chuyên gia, chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh rằng ăn trứng vịt lộn hay các thực phẩm có nguồn gốc tế bào mầm làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: có nhiều loại dưỡng chất cần đảm bảo trong bữa ăn hàng ngày đối với bệnh nhân ung thư để đảm bảo quá trình điều trị đầy đủ dinh dưỡng. Bao gồm chất đạm, tinh bột, chất béo, rau quả.
4. Người bệnh ung thư nên kiêng hoàn toàn thịt đỏ
Người bệnh ung thư không nên ăn thịt đỏ là quan điểm không đúng.
Nhiều người có quan niệm rằng: Việc kiêng hoàn toàn thịt đỏ (thịt gia súc 4 chân như trâu, chó, heo, bò...) sẽ giảm cung cấp máu (chứa vitamin B12, sắt) cho khối u phát triển. Sự thật là vitamin B12 hay sắt không chỉ có trong thịt đỏ mà còn trong đạm động vật khác. Kiêng khem các thực phẩm này có thể gây ra thiếu đạm, cản trở quá trình lành vết thương, giảm khả năng phòng ngừa nhiễm trùng và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Người bệnh ung thư không nên tuyệt đối bỏ thịt đỏ mà vẫn có thể ăn thịt đỏ với lượng nhất định. Bệnh nhân có thể ăn dưới 500 gram thịt đỏ một tuần (khoảng 70 gram mỗi ngày) và hạn chế thịt chế biến sẵn. Những người vẫn lo lắng về nguy cơ ung thư liên quan đến thịt đỏ và những người bệnh ung thư có thể xem xét giảm tiêu thụ thịt đỏ và thay thế bằng nguồn thực phẩm cung cấp đạm khác như trứng, sữa, đậu…