Phượt thủ Mỹ tiết lộ trải nghiệm đổ rác ở nơi lạnh nhất thế giới, 6 tháng không có mặt trời, nhiệt độ dưới -56 độ C.
Blogger du lịch Mỹ Josiah Horneman gây chú ý trên TikTok với video tiết lộ về quá trình kỳ công đi đổ rác ở Nam Cực - lục địa lạnh nhất thế giới. "Ngay cả những điều đơn giản nhất cũng cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện ở đây", Horneman chú thích dưới video.
Josiah Horneman sẽ sống ở Trạm Amundsen-Scott Nam Cực cho đến tháng 11/2021. @ JoeSpinsTheGlobe / TikTok. (Ảnh: @JoeSpinsTheGlobe/TikTok)
Horneman cho biết nhiệt độ ngoài trời vào thời điểm anh đi đổ rác là -56 độ C. Anh đội mũ lót lông, găng tay dày màu vàng và áo khoác parka đỏ sẫm. Anh mở một cánh cổng lớn bằng kim lại, mang thùng rác đầy vào thang máy chở hàng, bấm nút để xuống tầng thấp hơn nằm dưới lớp tuyết. Sau đó, anh mang rác ra khỏi thang máy để phân loại: rác tái chế, rác thải vệ sinh và rác mang ra bãi chôn lấp.
Công cuộc đổ rác vẫn chưa kết thúc ở đó. Horneman nói rằng đội của anh phải thu gọn rác vào những kệ gỗ. Rác được trữ tại đó cho đến mùa hè, khi nhiệt độ đủ cao để chuyển khỏi trạm nghiên cứu.
Horneman cho biết, trời hiếm khi "nóng" hơn -48 độ C, do đó mùi hôi thối từ rác tích tụ không quá tệ dù chúng lưu cữu ở đó trong nhiều tháng. Mọi rác thải đều được đóng túi hai lần để chống tràn, và rác thải thực phẩm được đóng ba lần túi.
Video: @JoeSpinsTheGlobe/TikTok
Theo Hiệp ước Nam Cực, mọi rác thải tạo ra trên lục địa này cần phải được loại bỏ và đưa vào hệ thống quản lý rác thải ở New Zealand. Chàng trai người Mỹ cho biết chỉ có hai cách chuyển rác ra khỏi Nam Cực: đưa lên máy bay hoặc đặt rác lên các xe trượt tuyết chuyên dụng, và đưa đến trạm McMurdo, cơ sở nghiên cứu chương trình Nam Cực của Mỹ.
Horneman có kênh riêng trên YouTube chuyên về du lịch, và hiện sống cùng 39 thành viên khác tại trạm Amundsen-Scott Nam Cực. Tại đây, anh làm trợ lý cho các bác sĩ nội trú.
Nơi Horneman ở gần điểm cực nam của Trái đất, và hoàn toàn bị cô lập từ tháng 2 đến cuối tháng 10 vì thời tiết khắc nghiệt cản trở mọi hoạt động đi lại. Anh cũng từng chia sẻ: "Chúng tôi chính thức là những người bị cô lập nhất hệ mặt trời. Việc về nhà từ Trạm vũ trụ quốc tế thực sự dễ dàng hơn so với từ đây, vào thời điểm này".