Đổi chai nhựa lấy vé xe buýt, thành phố vừa sạch vừa giảm kẹt xe

Tuần này xuất hiện một số hình ảnh thật đẹp trên báo chí cho thấy cảnh nhiều người lớn và trẻ em cầm những chiếc túi chứa đầy chai và ly nhựa đứng xếp hàng tại trạm xe để đổi lấy... vé xe buýt.

"Đây là một giải pháp rất thông minh. Thay vì vứt đi chai nhựa thì giờ đây người ta nhặt chúng và mang tới đổi vé xe miễn phí", Fransiska Nugrahepi (một cư dân 48 tuổi) chia sẻ.

Đó là những gì đang diễn ra tại Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, tọa lạc trên đảo Java. Thành phố 2,9 triệu dân này đang triển khai chương trình đổi rác nhựa lấy vé xe buýt và là thành phố đầu tiên của xứ vạn đảo thực hiện ý tưởng như vậy.


Một người bán vé thu các chai nhựa đã qua sử dụng để thay thế vé xe buýt trên một chuyến xe ở thành phố Surabaya của Indonesia (ảnh chụp ngày 21/7) - (Ảnh: AFP).

Theo chương trình trên, 3 chai nhựa cỡ lớn, 5 chai nhựa cỡ trung hoặc 10 ly nhựa sẽ đổi được một vé xe buýt với hành trình kéo dài 1 giờ. Điều kiện đổi là chúng không bị bóp méo biến dạng và được rửa sạch, nhằm đưa trực tiếp đến các nhà máy xử lý tái chế.

Người dân có thể đem chai nhựa trực tiếp đến các văn phòng tại những nhà ga và trạm xe buýt để đổi vé. Ngoài ra, thành phố Surabaya còn bổ sung 20 xe buýt gần như mới, với mỗi xe được trang bị thêm các thùng rác tái chế và nhân viên bán vé sẽ thu gom các chai nhựa do hành khách bỏ lại.

Giải pháp thú vị này được đánh giá "vẹn cả đôi đường". Franki Yuanus, một quan chức giao thông địa phương, nhận định chương trình này vừa giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, vừa giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong lòng thành phố bằng cách khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Edo Junianto, một nhân viên bán vé xe buýt, cho biết thành phố Surabaya hiện khá sạch sẽ, không còn nhìn thấy nhiều rác trên đường phố. Ông hi vọng chương trình này cũng giúp nâng cao ý thức của trẻ em.

Theo Hãng tin AFP, chính quyền địa phương ở Surabaya cho biết gần 16.000 hành khách đang đổi rác thải nhựa để lấy vé xe buýt hằng tuần. Mỗi tháng, xấp xỉ 6 tấn rác nhựa được thu gom từ các hành khách và sau đó được chuyển tới các công ty tái chế.

Không chỉ Surabaya, nhiều nơi khác ở đất nước gồm khoảng 17.000 đảo lớn nhỏ này cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề. Cuối năm ngoái, đảo du lịch Bali của Indonesia đã ban lệnh cấm sử dụng các loại nhựa dùng một lần như túi nhựa mua sắm và ống hút nhựa. Chính sách mới nhằm cắt giảm 70% rác thải nhựa ở vùng biển quanh đảo Bali trong năm 2019.

70%

Indonesia hiện là quốc gia thải ra số rác nhựa gây ô nhiễm đại dương lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Chính phủ nước này cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm rác thải nhựa đổ xuống biển khoảng 70%, bằng cách tăng cường tái chế, nâng cao ý thức người dân và hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Sáng kiến hay ở Ấn, Thổ

Hồi cuối tháng 5, ngôi trường Akshar với nhiều học sinh nghèo ở bang Assam của Ấn Độ đã nhận nhiều lời khen ngợi khi tiến hành thu học phí bằng chai nhựa, túi nilông. Mỗi tuần, 110 học sinh tại đây mang khoảng 25 mẫu rác nhựa tới trường nộp và được tham gia các lớp học miễn phí.

Trong khi đó, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã lắp một số máy đổi rác lấy vé tự động tại trạm tàu điện ngầm để hình thành thói quen tốt cho người dân. Hành khách đến bỏ lon, chai nhựa vào máy sẽ nhận được một khoản tiền tương ứng và sau đó đem đổi lấy vé tàu.

Cập nhật: 12/08/2019 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video