Các chuyên gia cho rằng trận động đất khiến New Zealand rung chuyển hôm 15/2 do hoạt động của mảng kiến tạo gây ra và không liên quan tới động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận động đất mạnh khoảng 6 độ gây ra chấn động ở cả hai quần đảo Bắc và Nam của New Zealand hôm 15/2, dù chưa có báo cáo nào về thiệt hại hoặc thương tích. Tâm chấn của trận động đất hôm 15/2 là eo biển Cook, vùng biển ngăn cách quần đảo Bắc và Nam của New Zealand. Động đất xảy ra vào 19h38 giờ địa phương (1h38 ngày 15/2 giờ Hà Nội), ở độ sâu khoảng 74km, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Theo Reuters, nhân chứng cảm nhận được rung lắc mạnh kéo dài vài giây ở thủ đô Wellington.
Đảo Bắc của New Zealand. (Ảnh: Distant Journey).
GeoNet, cơ quan chuyên theo dõi nguy cơ địa chất, cho biết họ nhận được hơn 61.000 báo cáo từ những người cảm thấy rung chấn. Tuy nhiên, may mắn là không có sóng thần do tâm chấn ở xa đất liền. Trận động đất xảy ra sau khi bão Gabrielle gây thiệt hại nghiêm trọng ở đảo Bắc trong tuần này, khiến 4 người tử vong và hơn 10.000 người mất nhà ở.
Động đất hình thành khi hai mảng kiến tạo trượt theo hướng ngược nhau va chạm và phân tách. New Zealand nằm ở ranh giới giữa hai mảng kiến tạo là mảng Australian và mảng Thái Bình Dương. Nước láng giềng Australia ở xa ranh giới này hơn nên ít gặp rung chấn mạnh hơn.
Theo tiến sĩ Jessica Johnson, nhà địa vật lý ở Đại học Đông Anglia, vỏ Trái Đất bao gồm nhiều mảng kiến tạo di chuyển tương đối so với nhau. Ở ranh giới của những mảng kiến tạo này, đá di chuyển qua nhau có thể tích tụ áp lực do ma sát và trượt đột ngột, dẫn tới động đất. Những trận động đất mạnh thường xảy ra dọc đường đứt gãy, nơi các mảng kiến tạo giao nhau, nhưng rung chấn nhỏ có thể xảy ra ở giữa mảng kiến tạo. Động đất thường đi kèm dư chấn. Đó là động đất quy mô nhỏ hơn trận động đất ban đầu nhưng vẫn có thể gây thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, dư chấn xảy ra ở cùng khu vực với trận động đất chính, vì vậy động đất ở New Zealand là sự kiện hoàn toàn khác. Tiến sĩ Johnson cho biết, không có mối liên hệ nào giữa động đất ở New Zealand và động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, một phần do hai khu vực ở quá xa nhau (khoảng gần 16.100km), vượt xa phạm vi của dư chấn.
"Ở khu vực mảng kiến tạo hoạt động mạnh, động đất nhỏ xảy ra rất thường xuyên và ít khi cảm nhận thấy. Nhưng khi một trận động đất lớn hơn xảy ra gần mặt đất hơn, người dân có thể cảm nhận được rung động. Khi động đất xuất hiện, nó có thể truyền áp lực tới đường đứt gãy khác ở gần đó. Nhưng đường đứt gãy ở New Zealand và Thổ Nhĩ Kỳ ở quá xa để áp lực ảnh hưởng đến nhau", tiến sĩ Johnson giải thích. Tương tự, David Rothery, giáo sư địa khoa học hành tinh ở Đại học Open, cho biết không có trận động đất nào ở New Zealand có thể là hệ quả từ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhà địa chất học người Anh Roger Musson, động đất có số lượng lớn hơn nhiều những gì phần lớn mọi người có thể nhận thức. Theo Trung tâm thông tin động đất quốc gia, có khoảng 20.000 trận động đất trên thế giới mỗi năm, xấp xỉ 55 trận mỗi ngày, dù chỉ có khoảng 16 trận động đất lớn mỗi năm.