Hội khoa học lịch sử và Bảo tàng tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trung tâm khảo cổ học vùng Nam bộ vừa tiến hành khai quật 2 khu di tích Gò Me và khu di tích đình Tân Lại (TP Biên Hòa, Đồng Nai), phát hiện nhiều hiện vật bằng đá và gốm thời sơ sử và tiền sử có niên đại cách nay hàng nghìn năm.
Tại khu di tích Gò Me (thuộc phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, Đồng Nai), qua tiến hành khai quật trên diện tích 50m2, đã phát hiện nhiều hiện vật bằng gốm, các dụng cụ lao động bằng đá trong các địa tầng văn hóa. Những di vật khai quật được gồm: 174 bi gốm, 2 rìu vai, 22 rìu tứ giác, 12 đục đá, 3 hạt chuỗi, 6 cuốc, 1 thanh đá kêu, 29 bàn mài, 10 mảnh vòng tay và hàng ngàn mảnh vỡ đồ gốm các loại.
Căn cứ vào những hiện vật thu thập được, các nhà nghiên cứu đã xác định được niên đại của di tích thuộc thời kỳ kim khí, cách nay khoảng 2.500 - 3.000 năm, và cho rằng đây là một trong những địa bàn cư trú ven đồi của cư dân thời tiền sử.
Tại di tích đình Tân Lại (thuộc phường Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai), các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật trên diện tích 97m2. Sau khi đào xuống khoảng gần 1m ở nhiều địa điểm khác nhau, đã phát lộ nhiều hiện vật bằng đá và gốm gồm: 9 rìu vai bằng đá và mảnh vỡ, 9 rìu tứ giác và mảnh vỡ, 1 cuốc đá, 6 bàn mài, 1 tiền đồng, 2 hiện vật bằng đồng và nhiều mảnh gốm cổ.
Qua đối chiếu, so sánh với loại hình di tích, dấu tích văn hóa còn lại và các di vật thu thập được trong quá trình khai quật, các chuyên gia đã xác định được di tích Tân Lại có hai loại hình văn hóa khảo cổ chồng lên nhau, đó là văn hóa tiền sử thuộc thời kỳ kim khí, có niên đại cách nay khoảng 2.500 - 3.000 năm và văn hóa sơ sử thuộc thời kỳ hậu Óc Eo, có niên đại khoảng thế kỷ thứ X-XII sau công nguyên.
Các chuyên gia về khảo cổ học cho rằng di tích Tân Lại là một di tích khá đặc biệt, vì có hai loại hình văn hóa chồng lên nhau. Đây là những cơ sở để các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu và lý giải về các thời kỳ lịch sử cũng như văn hóa của người cổ xưa để có biện pháp bảo tồn những di sản văn hóa cổ của người Việt.