Động vật hoang dã - nguồn cơn dịch viêm phổi Vũ Hán

Trước khi đóng cửa, khu chợ hải sản tại Vũ Hán bán đầy các động vật hoang dã như rắn, cầy hương, dơi, vật chủ trung gian lây truyền virus corona.

Sáng ngày 23/1, bệnh viêm phổi lạ tại Trung Quốc lây nhiễm cho 570 người, khiến 17 bệnh nhân tử vong. Các ca bệnh hầu hết là ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, gồm những người làm việc hoặc sống gần chợ hải sản Huanan. Theo các chuyên gia, đây chính là nguồn gốc của đợt dịch. Khu chợ bán đủ loại động vật hoang dã "trên trời dưới biển".

Người dân địa phương xác nhận, tôm, cua và cá vược sọc là các mặt hàng chính ở chợ hải sản Huanan rộng 50.000 mét vuông. Tuy nhiên, nhiều loài sinh vật hoang dã cũng được bày bán ở khắp các ngóc ngách.

Bà Ai, 58 tuổi sống gần khu vực này, cho biết một số chủ quầy bán động vật sống như rắn, chuột, nhím, gà lôi. Điều này đã diễn ra trong một thời gian khá dài và được thông báo bởi Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Vũ Hán vào tháng 9 năm nay. Giới chức thành phố đã tiến hành kiểm tra giấy phép kinh doanh và các tài liệu an toàn của 8 quầy hàng bán động vật hoang dã.

Yuexiu là một khu chợ khác tại tỉnh Quảng Châu, một thành phố nổi tiếng với nhiều thực khách tò mò. Nhìn vào các sạp hàng, không ai nghĩ, tiểu thương tại đây có buôn bán động vật sống. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại.

"Chờ một chút, tôi sẽ lấy nó từ cửa sau", một người bán hàng tại Yuexiu nói khi được hỏi về gà sống.

Tại khu chợ Conghua, Quảng Châu, các giao dịch diễn ra sôi nổi không kém. Hàng chục vị khách đang đứng trả giá với chủ sạp. Tại đây, gà sống được bán với giá 17 nhân dân tệ (khoảng 57.000 VND) mỗi kg.

Sau chuyến thăm đến chợ hải sản Vũ Hán, Zhong Nanshan, Giám đốc Phòng thí nghiệm Hô hấp trọng điểm của Trung Quốc cho biết, nguồn cơn của virus corona có thể từ chuột tre hoặc lửng. "Dù được gọi là chợ hải sản, nhiều người bán chui các động vật quý hiếm", ông nói.


Chợ hải sản Huanan khi chưa bị đóng cửa, bày bán hơn 100 loại động vật bao gồm cầy hương, cáo, chó sói... (Ảnh: Health Policy Watch).

Từ trước tới nay, mua bán động vật hoang dã hoàn toàn bị nghiêm cấm tại Trung  Quốc. Một số nơi không được phép bày bán động vật sống. Các công ty được quyền nuôi với mục đích thương mại, tuy nhiên cần có giấy phép của chính quyền cấp tỉnh, theo Luật Bảo vệ Động vật Hoang dã Quốc gia.

Lệnh cấm được in lên các biểu ngữ, treo dọc con đường đến các chợ nông sản, ngay bên ngoài đường Vành đai Ba đông đúc. Song, một số người bán và cả người mua dường như chẳng quan tâm. Họ làm điều này một cách lén lút. Các chủ cửa hàng tuân thủ quy định, hoặc chưa từng biết đến các địa điểm bán "chui" trong chợ, hoặc từ chối nói về vấn đề đó.

Hu Xingdou, một nhà kinh tế học cho biết, người Trung Quốc có niềm yêu thích đặc biệt với việc ăn thịt động vật hoang dã. Điều này bắt nguồn từ văn hóa và kinh tế. Thưởng thức các loại đặc sản như thịt, nội tạng động vật quý hiếm trở thành "thước đo" cho sự giàu có đối với một số người.


Danh sách động vật hoang dã và giá cả được bày bán tại một sạp hàng trong chợ. (Ảnh: Weibo).

Vào năm 2002 – 2003, cầy hương tại một khu chợ ở tỉnh Quảng Đông được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định là vật chủ trung gian truyền virus từ dơi sang người, gây ra đợt bùng phát của bệnh SARS. Căn bệnh lây nhiễm tới 8.098 người, khiến 774 bệnh nhân tử vong.

Từ đó, nhiều người Trung Quốc đã e dè hơn trong việc tiêu thụ động vật hoang dã. Theo khảo sát được công bố năm 2006 bởi WildAid, khoảng 70% trong số 24.000 người được hỏi cho biết, 16 thành phố tại đại lục đã từ bỏ thói quen này. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà dịch tễ học thế giới.

Cập nhật: 24/01/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video