Khu vực Bắc Âu đồng loạt ghi nhận nhiệt độ tăng cao kỷ lục những ngày qua. Các chuyên gia tin rằng hiện tượng thời tiết cực đoan ở Bắc Mỹ và châu Âu có mối liên hệ.
Hôm 4/7, nhiệt độ tại thị trấn Kevo của Phần Lan, gần Bắc Cực, là 33,5 độ C. Mức nhiệt này chỉ thấp hơn kỷ lục 34,7 độ C từng ghi nhận vào năm 1914.
Trước đó, Phần Lan đã trải qua tháng 6 nóng kỷ lục kể từ khi nhiệt độ bắt đầu được thống kê ở nước này năm 1844.
Thị trấn Saltdal ở Na Uy, điểm gần Bắc Cực, ghi nhận nhiệt độ 34,3 độ C hôm 5/7. Đây là mức nhiệt độ cao nhất ở Na Uy trong năm nay, và chỉ dưới mức nhiệt độ cao kỷ lục từng xuất hiện ở Na Uy 1,3 độ C, mức ghi nhận tại một khu vực ở cực Nam đất nước năm 1970.
Khu vực Bắc Âu đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục. (Ảnh: Reuters).
Trong khi đó, nhiều khu vực ở Thụy Điển cũng vừa trải qua tháng 6 nóng kỷ lục.
Nhiệt độ tại bán đảo Scandinavia lúc này đang cao hơn trung bình từ 10-15 độ C.
Sóng nhiệt tấn công Bắc Âu trong bối cảnh khu vực phía Tây của Bắc Mỹ cũng đang trải qua một đợt nắng nóng khắc nghiệt chưa từng có.
Canada hiện đối mặt hàng loạt trận cháy rừng ở bang British Colombia, sau khi nhiệt độ lên cao kỷ lục 49,6 độ C.
Các chuyên gia khí tượng học cảnh báo sóng nhiệt ở Bắc Mỹ và Bắc Âu có liên hệ với nhau.
Giáo sư Michael Reeder của Đại học Monash, Australia cho rằng một vùng áp thấp nhiệt đới ở Tây Thái Bình Dương gần Nhật Bản đã làm gián đoạn bầu khí quyển ở Bắc bán cầu, đẩy không khí nóng từ các khu vực nhiệt đới tới gần cực Bắc hơn.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc xác nhận nhiệt độ ở Nam Cực đạt mức cao kỷ lục là 18,3 độ C hồi tuần trước.