Độ dài của chuyến du hành càng lớn, hiện tượng càng trở nên khó kiểm soát. Rốt cục, các phi hành gia đã phải chịu đựng chuyện gì?
Du hành vũ trụ không phải là một chuyện đơn giản. Để được lựa chọn, các phi hành gia phải trải qua một quá trình chuẩn bị cực kỳ nghiêm ngặt, cùng tiêu chuẩn khắt khe.
Nhưng kể cả như vậy, thì việc đặt chân vào một môi trường khác hoàn toàn so với mặt đất có khả năng gây ra những thay đổi không nhỏ với cơ thể của chúng ta. Trong đó, có một hiện tượng kỳ lạ xảy ra với máu, được công bố trong một nghiên cứu mới đây của NASA.
Sau khi du hành, khả năng máu vận chuyển và hấp thụ oxy khi vận động giảm.
Cụ thể, các chuyên gia từ NASA và ĐH Bang Kansas (KSU) đã sử dụng dữ liệu của 9 nam và nữ phi hành gia, những người có ít nhất 6 tháng làm nhiệm vụ trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS). Dữ liệu này bao gồm cả việc tập luyện trước và sau khi du hành vũ trụ.
Kết quả, nhóm chuyên gia nhận thấy sau khi du hành, khả năng máu vận chuyển và hấp thụ oxy khi vận động giảm hẳn so với trước khi rời khỏi mặt đất. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng vận động của các phi hành gia cũng giảm đi, cụ thể ở mức từ 30% - 50%.
"Đây là một mức giảm đáng sợ" - Carl Ade từ ĐH KSU, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết. "Khi chức năng tim mạch hạ xuống, khả năng vận động cũng giảm theo. Bạn không thể thực hiện những bài tập "căng" như trước được nữa".
"Nghiên cứu trước kia cho rằng việc này xảy ra do chức năng của tim giảm đi, nhưng các dữ liệu cho thấy nó xảy ra ở cả những mao mạch, ở mức độ vi tuần hoàn".
Đây là một vấn đề không dễ giải quyết. Theo các chuyên gia, chúng ta cần hiểu chính xác vì sao lượng oxy hấp thụ giảm đi, và điều này hiện nay chưa thể làm được. Một số giải pháp như tăng cường tập luyện hoặc dùng thuốc dược lực cũng có thể áp dụng, nhưng chỉ là giải pháp tình thế để giúp phi hành gia chống lại tác dụng phụ từ vũ trụ mà thôi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng nghiên cứu lần này giúp cho nhân loại hiểu rõ hơn về cách hoạt động của các mạch máu, đặc biệt là ở người già và bệnh nhân bị truỵ tim.
Nghiên cứu rất quan trọng đối với du hành sao Hỏa trong tương lai.
Ngoài ra đây được xem là một nghiên cứu quan trọng, phục vụ cho các nhiệm vụ du hành dài hạn. Như đến sao Hỏa chẳng hạn, các phi hành gia phải dành ít nhất 8 tháng trong môi trường vô trọng lực để đến được hành tinh Đỏ. Nếu như khả năng vận động giảm đi, đó sẽ là một vấn đề khá lớn.
Chưa kể, các phi hành gia còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, như mật độ xương và cơ bắp giảm, tỉ lệ nghịch với độ dài chuyến đi.
Nêu ra ở đây không phải để chúng ta nhụt chí, mà là khoa học vẫn còn nhiều vấn đề phải làm trước khi hoàn tất dự án đưa con người đi chinh phục sao Hỏa.