Du khách sao Hỏa phải dùng phân che phủ tàu vũ trụ

Không chỉ trải qua 501 ngày trong môi trường vũ trụ khắc nghiệt, cặp vợ chồng được triệu phú Mỹ Dennis Tito tuyển chọn tham gia cuộc du hành tư nhân lên sao Hỏa sẽ phải dùng phân của chính họ để che phủ các bức vách tàu vũ trụ nhằm ngăn chặn bức xạ.

Giới nghiên cứu cho biết, một trong những hiểm họa lớn nhất cho sứ mệnh là bức xạ từ các tia vũ trụ. Họ rốt cuộc đã tìm ra một giải pháp tích cực: yêu cầu những người tham gia cuộc du hành tới sao Hỏa dùng nước, thực phẩm và cả phân của họ để che chắn các bức tường tàu vũ trụ.

“Nghe có vẻ buồn nôn nhưng không có chỗ tống khứ thứ vật chất đó và nó sẽ tạo thành khiên chắn bức xạ tuyệt vời”, Taber MacCallum, một thành viên nhóm sứ mệnh do triệu phú Dennis Tito tài trợ nói.


Hình ảnh mô phỏng tàu vũ trụ du lịch lên sao Hỏa của Inspiration Mars - một
tổ chức phi lợi nhuận, chịu trách nhiệm xúc tiến dự án của ông Tito. (Ảnh: AP)

Theo ông MacCallum, chất thải rắn và lỏng sẽ được dùng cho mục đích trên sau khi được khử nước (nước thu được sẽ tiếp tục được tái chế để uống). Các sản phẩm chất thải rắn sau đó sẽ được bỏ vào một cái bao, xếp dựa vào những bức vách tàu vũ trụ.

Tuần trước, triệu phú Dennis Tito, 73 tuổi, cựu kỹ sư của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), chính thức thông báo xúc tiến kế hoạch đầy tham vọng và táo bạo trị giá 1 tỉ USD của ông, nhằm đưa một cặp vợ chồng tuổi ngoài 50 du hành lên sao Hỏa trong 5 năm tới, vào ngày 5/1/2018.

Đặt tên cho dự án là “Sứ mệnh vì nước Mỹ”, ông Tito tuyên bố cặp du khách sao Hỏa đầu tiên phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn khắt khe: Trước tiên họ phải là vợ chồng, tuổi trung niên, đã có con (tức đã qua tuổi sinh sản). Lí do là, trong suốt cuộc hành trình dài 18 tháng, đường xa hàng tỉ km, họ sẽ bị bức xạ vũ trụ làm tổn thương tinh trùng và noãn, có thể gây vô sinh, làm thay đổi ADN và sụt giảm số lượng tế bào máu.


Triệu phú Mỹ Dennis Tito đã sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Inspiration Mars để xúc tiến dự án du lịch tư nhân lên sao Hỏa. Ông Tito đã chi 20 triệu USD cho Cơ quan Không gian Nga để được quyền tham quan Trạm Vũ trụ quốc tế ISS 8 ngày vào cuối tháng 4/2001. (Ảnh: ABC/AP)

Chuyến du lịch đặc biệt này cũng đòi hỏi những người tham gia phải có tinh thần thép để chịu đựng sự cô độc và đối phó với những bất trắc ngoài tiên lượng của các chuyên gia kỹ thuật thuộc dự án. Ông Tito cho rằng, chỉ có tình yêu sâu sắc của một cặp vợ chồng mới vượt qua được trở ngại này và giúp họ đùm bọc lẫn nhau khi gặp sự cố nguy hiểm.

Đặc biệt, các du khách cũng phải phải lường trước và chấp nhận nguy cơ khi ngã bệnh hay bị thương sẽ không có bệnh viện để chữa trị, chuyến bay cũng không thể dừng để quay về trước năm 2019. Nếu bệnh nặng thì cơ hội sống sót của họ rất thấp.

Cho tới nay, đã có 2 người tình nguyện đăng ký với Inspiration Mars - một tổ chức phi lợi nhuận, chịu trách nhiệm xúc tiến dự án của ông Tito. Đó là ông Taber MacCallum, 48 tuổi, giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập Công ty Paragon Space Development chuyên sản xuất các hệ thống hỗ trợ sự sống trong những điều kiện khắc nghiệt như trên tàu vũ trụ, và vợ là bà Jayne Poynter MacCallum, 50 tuổi.

Việc ứng cử của vợ chồng MacCallum đang có lợi thế vì cách đây 20 năm, họ từng trải qua 2 năm trong dự án Biosphere 2, nơi huấn luyện con người sống trong một cộng đồng giả lập trên các hành tinh ở Oracle, bang Arizona, Mỹ.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video