Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore vừa phát triển một kỹ thuật mới cho phép in các mạch điện tử phức tạp lên nhiều loại bề mặt bằng máy in kỹ thuật số T-shirt. Thành quả này cho phép mở rộng việc sử dụng thiết bị điện tử dùng một lần trên nhiều vật dụng có chất liệu khác nhau (như giấy, nhựa và nhôm).
Giáo sư Joseph Chang (phải) cùng cộng sự và bảng mạch điện tử in bằng máy in. (Ảnh: Theengineer)
Theo trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư Joseph Chang, sự khác biệt giữa công nghệ mới và phương pháp truyền thống là quy trình sản xuất hoàn toàn không sử dụng bất kỳ hóa chất độc hại hay tác nhân ôxy hóa.
Với công cụ là chiếc máy in, nhóm nghiên cứu đã in ra các mạch điện hoàn chỉnh với điện trở, điện trở chuyển (một linh kiện bán dẫn) và tụ điện từ vật liệu hữu cơ không độc hại như các hạt nano bạc, carbon và nhựa. Thậm chí, họ còn in được mạch DAC 4 bit dùng trong loa hoặc tai nghe và thẻ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID).
Đáng lưu ý, mạch điện tử này có thể in lên nhiều loại bề mặt, đồng nghĩa chúng ta sẽ sớm chứng kiến sự ra đời của hàng loạt sản phẩm thông minh, như vỏ hộp sữa giúp cảnh báo sữa đã hư, băng vết thương nhắc nhở khi nào cần thay hoặc cao dán theo dõi các tín hiệu sinh học của cơ thể.
Giáo sư Chang cho biết thêm, kỹ thuật này có thể được dùng để sản xuất mạch điện lớn nhỏ dùng một lần tùy mục đích sử dụng chỉ trong vài phút với chi phí rất thấp.
Tham khảo: Gizmag