Dung môi mới giúp lọc hơn 98% hạt nhựa siêu nhỏ trong nước

Một nhóm nghiên cứu Mỹ đang phát triển các dung môi có khả năng loại bỏ hơn 98% hạt nhựa siêu nhỏ khỏi nước, hiệu quả với cả nước mặn và nước ngọt.

Các nhà khoa học tại Đại học Missouri (Mỹ) đã tạo ra các dung môi chống thấm nước làm từ thành phần tự nhiên, có thể nổi như dầu trên mặt nước. Sau khi trộn dung môi với nước, chúng sẽ từ từ nổi lên lại trên mặt nước, mang theo các hạt nhựa siêu nhỏ (nhựa nano) trong cấu trúc phân tử của chúng.


Dung môi sẽ mang theo các hạt nhựa nano nổi lên mặt nước - (Ảnh: University of Missouri).

Trong phòng thí nghiệm, nhóm chỉ sử dụng một lọ nhỏ dung môi để loại bỏ các hạt nhựa nano khỏi nước. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ tập trung vào việc mở rộng toàn bộ quy trình lọc nhựa nano để có thể ứng dụng dung môi vào các vùng nước lớn hơn như ao hồ, hay thậm chí là đại dương.

Nhóm cho biết phương pháp mới này hiệu quả với cả nước mặn và nước ngọt. "Những dung môi này được làm từ các thành phần an toàn, không độc hại cùng khả năng chống thấm nước giúp ngăn ô nhiễm lan sang các nguồn nước khác", bà Piyuni Ishtaweera, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Missouri, cho biết.

"Chiến lược của chúng tôi là sử dụng một lượng nhỏ dung môi để hấp thu các phân tử nhựa có trong một lượng nước lớn", ông Gary Baker, một tác giả của nghiên cứu và làm việc tại khoa hóa Đại học Missouri, nói.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm dung môi với 5 kích cỡ khác nhau của hạt nhựa nano có gốc polystyrene - một loại nhựa phổ biến trong ly nhựa. Kết quả cho thấy dung môi của nhóm có hiệu quả vượt trội hơn so với các nghiên cứu trước đây, vốn tập trung vào một cỡ hạt nhựa nano.


Hình minh họa 2 bước lọc nước bằng dung môi - (Ảnh: University of Missouri).

Hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn chưa hiểu hết khả năng của dung môi, do đó họ cần nghiên cứu thêm về điều này cũng như khám phá các phương pháp để tái sử dụng dung môi nhiều lần, theo trang phys.org ngày 13-8.

Phương pháp cải tiến này không chỉ mang lại giải pháp thiết thực cho vấn đề ô nhiễm các hạt nhựa nano, mà còn mở đường cho những nghiên cứu và phát triển sâu hơn về công nghệ lọc nước tiên tiến.

Nhựa nano có thể phá vỡ hệ sinh thái dưới nước và xâm nhập chuỗi thức ăn, gây rủi ro sức khỏe như bệnh tim mạch hay hô hấp cho con người và động vật. Do đó việc loại bỏ nhựa nano để giúp nước sạch hơn luôn là một thách thức cấp thiết của giới khoa học.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS Applied Engineering Materials.

Cập nhật: 15/08/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video