Cơ quan chức năng sẽ dừng nghiên cứu tiếp về hạt “lúa cổ” ở Thành Dền, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết chiều qua.
>>> Chưa đủ cơ sở để xác định niên đại thóc Thành Dền
>>> Kết quả xét nghiệm: "Lúa cổ Thành Dền" là lúa hiện đại
Tiến sỹ Lê Huy Hàm, Viện trưởng viện di truyền nông nghiệp, cho biết kết quả giám định các-bon phóng xạ mới đây của các nhà khoa học Nhật Bản cùng với kết quả trước đó nghiên cứu ở Việt Nam đều có kết luận lúa Thành Dền không phải lúa cổ.
“Nhiều khả năng những hạt thóc này bằng cách nào đó đã lọt vào khu di chỉ Thành Dền. Trước đây do các nhà khoa học quá kỳ vọng vào hạt thóc cổ nên cũng muốn làm rõ về mặt khoa học. Nhưng sau khi xem xét kỹ, các cơ quan chức năng và nhà khoa học cho rằng nên dừng hẳn việc nghiên cứu hạt thóc ở Thành Dền", ông Hàm nói và cho biết thêm rằng những cây lúa và những hạt “lúa cổ” đã được cất kho.
Cơ quan chức năng sẽ dừng nghiên cứu về hạt thóc tìm thấy ở Thành Dền. (Ảnh: Nguyễn Hưng)
Ông Trần Duy Quý, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN, khẳng định, không thể có hạt giống nào tồn tại được vài trăm năm, ngoài hạt sen và chà là. Trong môi trường hiếm khí, ở độ sâu 1,2 m mà vẫn tồn tại hạt thóc 3.000 năm là điều không thể xảy ra. "Hạt lúa tồn tại trong điều kiện tự nhiên sau 50 - 100 năm mà vẫn trổ bông thì đã quá phi thường”, ông Quý nhận xét.
Các kết luận nghiên cứu ở Việt Nam và ở Nhật, nơi có kỹ thuật hiện đại nhất cũng cho thấy, rõ ràng lúa ở Thành Dền không phải là lúa cổ.
Theo ông Quý cũng như nhiều nhà khoa học khác, những hạt thóc xuất hiện có thể do trẻ con nghịch ngợm và bỏ vào hoặc do chim bay trên trời thả xuống, trong khi điều kiện khảo cổ lại chưa được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trước đó, sau khi có kết luận lúa Thành Dền không phải lúa cổ mà là lúa hiện đại, Tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung - người phát hiện hạt lúa thành Dền nảy mầm - và nhiều nhà khảo cổ cho rằng cần phải có những nghiên cứu thêm.