Dùng thuốc khi bị động vật cắn, côn trùng đốt

Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương do động vật cắn, phải xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.

Xử lý vết súc vật cắn

Nọc ong có thể gây sốc

Phải khám và xem xét vết cắn cẩn thận về độ xuyên sâu, gân, mạch, mô, dị vật. Nếu cần, phải làm các xét nghiệm và chụp X-quang. Vết thương phải được tưới, tốt nhất là xịt có áp lực với nước sạch nhiều lần để loại bẩn và loại bớt vi khuẩn và các mô chết.

Để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, vết thương phải được xử lý càng sớm càng tốt. Không bao giờ được khâu lại ngay mà chỉ làm sạch, băng bó cố định theo chức năng, cố gắng nâng cao tay mọi lúc. Việc dùng các dung dịch sát khuẩn như chlorhexidin gluconat, povidon iod, cồn 70 độ là cần thiết. Vết thương có nguy cơ cao dứt khoát phải dùng kháng sinh liều cao từ 3 đến 5 ngày. Kháng sinh tốt nhất là amoxicilin clavulanat (augmentin) có phổ tác dụng rộng. Nếu dị ứng với họ penicilin thì dùng cephalosporin như cefuroxim hoặc doxycyclin.

Vết thương do người cắn lại càng nguy hiểm hơn, vì có thể làm lây nhiễm các virus viêm gan B, C, HIV, herpes simplex... Với những trường hợp này, cần dùng văcxin viêm gan B, globulin miễn dịch. Nếu có nguy cơ phơi nhiễm HIV thì phải dùng đủ liều và thật sớm các thuốc kháng HIV hiện có. Cũng phải xem xét đến việc dùng vacxin chống uốn ván cho mọi trường hợp bị cắn.

Các vết cắn do chó, mèo... có thể dẫn đến bệnh dại chết người, kể cả những vết cào xước hoặc nước bọt lên niêm mạc. Quan trọng nhất là phải theo dõi tình trạng con vật cắn. Nếu bắt được, kể cả những động vật hoang dã (cáo, chồn, chuột, dơi...) nên giết ngay, đầu con vật được bảo quản lạnh, gửi đến cơ quan xét nghiệm, nếu phản ứng âm tính thì không phải tiêm phòng. Với động vật nuôi trong nhà, nếu không có biểu hiện dại, giữ cẩn thận theo dõi trong 15 ngày, động vật vẫn bình thường cũng không phải tiêm phòng. Nếu không theo dõi được con vật cắn, lại đang ở thời kỳ rộ lên bệnh dại thì phải rửa sạch vết thương bằng nước xà phòng, không cần khâu vết thương; tiêm huyết thanh kháng dại và vacxin phòng dại.

Rắn cắn

Nguy hiểm nhất là các loài rắn độc như hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục và một số rắn biển. Nếu bị rắn độc cắn, sẽ có các biểu hiện lo lắng, chóng mặt, rối loạn đông máu, tan máu, chảy máu, nôn, mửa, tiêu chảy, rối loạn nước điện giải, suy thận cấp, sốc.

Khi bị rắn cắn (có thể lúc đó không biết rắn gì), phải gọi người khác đến giúp. Tức thời rửa ngay bằng thật nhiều nước sạch, nặn bóp và nếu cần thì mở rộng vết thương. Sát khuẩn (thuốc như trên), nếu có than hoạt thì cùng băng ép vào vết cắn, băng lại. Đưa đi cấp cứu bằng xe cấp cứu hoặc bằng cáng. Không để người bệnh đi hoặc chạy hoặc đi xe đạp, xe máy vì có thể trụy mạch và sốc.

Thuốc đặc trị rắn cắn gồm huyết thanh kháng nọc rắn, thuốc chống uốn ván, thuốc chữa rối loạn đông máu, thuốc chống suy thận, hỗ trợ thở, thuốc chống phù nề, thuốc giảm đau. Trước khi dùng huyết thanh kháng nọc rắn, cần thử test. Tuyệt đối không được uống rượu.

Vết côn trùng đốt

Nọc các loại chân đốt như rết, nhện, bọ cạp... có thể là chứa chất độc thần kinh hoặc một men gây sưng phồng, kết tập tiểu cầu, huyết khối. Chúng có thể mất dần đi hoặc gây hoại tử hoặc loét. Nọc côn trùng có thể gây triệu chứng toàn thân như sốt, lạnh, nôn, ban da, ngứa, vàng da, co cứng cơ, đau chuột rút, cứng cả một vùng, nhiễm khuẩn.

Khi bị đốt, cần làm sạch vết thương, chườm đá, có người bôi vôi (ong, kiến đốt). Uống thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol, piroxicam... và thuốc kháng histamin H1 làm dịu như phenergan, chlorpheniram, diphenhydramin. Đôi khi phải dùng tới corticosteroid, dapson để cải thiện tổn thương da. Việc dán miếng dán có nitroglycerin lên vết đốt hạn chế được co mạch, tránh hậu quả loét.

Khi bị ong, kiến đốt, da phồng lên, rát, đau có thể đến mức sốc phản vệ. Chỉ cần 50 con ong, kiến lửa đốt, bệnh nhân đã có thể bị phù, mệt mỏi, nôn, ù tai, đông máu nội mạch rải rác, tiêu cơ vân, hoại tử ống thận cấp. Cần nhanh chóng đưa cấp cứu tại bệnh viện. Nếu bị vài con đốt thì tránh nặn vết đốt, nhẹ nhàng lấy ngòi, chườm đá, tốt nhất là bôi calamin, kem corticoid như cortibion, hydrocortison, betamethason hoặc dexamethason, kem chống dị ứng như phenergan, kháng histamin H1 làm dịu.

DS Phạm Thiệp, Sức Khỏe & Đời Sống

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video