Một số nước Châu Âu muốn việc sử dụng năng lượng tái tạo là tự nguyện |
Hôm thứ Năm, các lãnh đạo Liên minh Châu Âu đồng ý cắt giảm 20% lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2020, so với mức của những năm 1990. Phóng viên BBC Oana Lungescu ở Brussels cho biết Châu Âu đã quyết định dùng năng lượng sạch, nhưng các chi tiết khó khăn vẫn còn phải tiếp tục bàn bạc.
Vẫn còn một điểm chính nổi cộm là mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo cho 13 năm tới là bắt buộc hay tự nguyện, phóng viên nói. Một vài nước Châu Âu nghèo hơn như Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia, cãi rằng họ hiện đang có phương án tốt hơn, trong khi Pháp đòi phải tính đến cả việc sử dụng năng lượng nguyên tử.
Bước tiến lớn
Sau hội đàm hôm thứ Năm, thủ tướng Đức Merkel, nước đang luân phiên giữ chức chủ tịch Châu Âu, nói cũng đạt được tiến bộ.
Bà nói, “Những điều đã thỏa thuận là một bước tiến lớn vượt lên trước những quan điểm đang có hiện nay.” Bà cũng hy vọng những bất đồng về mục tiêu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời và thủy điện sẽ được giải quyết.
Bà nói, “Chúng tôi bàn về những nghĩa vụ cụ thể - việc tăng hiệu quả năng lượng, nhiên liệu sinh học, tăng lượng tái tạo. Cần phải tranh luận thêm về cả ba lĩnh vực này.”
Ông Chirac muốn việc sử dụng năng lượng nguyên tử được xem xét |
Tổng thống Pháp Jacques Chirac yêu cầu năng lượng hạt nhân cũng phải được xem xét như là một phần của kế hoạch.
Bà Merkel nói năng lượng nguyên tử không phải là dạng năng lượng tái tạo nhưng cũng nhân nhượng rằng vấn đề này sẽ được xem xét như là một phần của kế hoạch cắt giảm khí carbonic tổng thể.
Các nước Đông Âu nghèo hơn, bị phụ thuộc vào công nghiệp nặng và tiêu thụ than đá có hàm lượng carbon cao, thì nói họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đầu tư vào công nghệ năng lượng mặt trời và gió để đáp ứng được mục tiêu.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso nói độ tin cậy của Châu Âu phụ thuộc vào việc lời nói phải đi đôi với việc làm trong cuộc chiến chống thay đổi khí hậu.
Cũng có người cho rằng Cộng đồng Châu Âu có thể tăng mức giảm khí thải lên tới 30% nếu những nước gây ô nhiễm lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ cũng tham gia kế hoạch.