Vi khuẩn trong phân của gấu trúc có thể biến thân cây ngô, rơm và những loại rác nông nghiệp khác thành nhiên liệu sinh học.
Giống như trâu, bò và mối, gấu trúc tiêu hóa thức ăn nhờ những vi khuẩn bên trong hệ tiêu hóa của chúng. Vi khuẩn phá vỡ cellulose và biến nó thành chất dinh dưỡng. 99% thức ăn của gấu trúc trong tự nhiên là tre. Một con gấu trúc trưởng thành có thể ăn từ 9 tới 18kg tre mỗi ngày – gồm lá, cành và cả măng.
Từ trước tới nay chưa có nhà khoa học nào tìm hiểu hệ tiêu hóa của gấu trúc chứa những loại vi khuẩn nào. Tuy nhiên, một số người bắt đầu chú ý tới điều đó khi nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học của thế giới lên tới đỉnh điểm.
Physorg cho biết, tiến sĩ Ashli Brown, một nhà nghiên cứu của Đại học Mississippi tại Mỹ, cùng các cộng sự phân tích phân của một cặp gấu trúc tại vườn thú thành phố Memphis, bang Mississippi trong một năm. Họ phát hiện nhiều chủng vi khuẩn trong phân. Chúng chính là vi khuẩn trong cơ thể của mối, nghĩa là chúng có khả năng biến gỗ thành chất dinh là những vi khuẩn giúp gấu trúc tiêu hóa thức ăn.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các vi khuẩn trong hệ tiêu hóa của gấu trúc hoạt động hiệu quả hơn so với vi khuẩn trong cơ thể mối trong việc biến thức ăn thành dưỡng chất”, Brown cho biết.
Dựa trên những nghiên cứu khác, Brown phỏng đoán rằng, trong một số điều kiện nhất định, những vi khuẩn trong ruột gấu trúc có thể biến 95% sinh khối (vật chất trong cây cối) thành đường. Những chủng vi khuẩn này có một số enzyme (những chất có khả năng làm tăng tốc độ phản ứng hóa học) hiệu quả đến nỗi chúng không cần nhiệt độ cao, axit mạnh và áp suất cao để biến sinh khối thành dưỡng chất. Nếu đưa những enzyme đó vào sản xuất nhiên liệu sinh học, quá trình sản xuất sẽ ngắn hơn, ít hao tốn nhiên liệu hơn.
Nhóm của Brown đang cố gắng xác định danh tính từng loại vi khuẩn trong hệ tiêu hóa của gấu trúc để tách những enzyme mạnh nhất. Bà nhấn mạnh rằng các nhà khoa học có thể dùng những kỹ thuật mới nhất để đưa các gene tạo ra enzyme vào men rượu hoặc men bia. Nhờ đó họ có thể thu hoạch enzyme với khối lượng lớn để phục vụ hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học.
“Phát hiện của chúng tôi cũng dạy chúng ta một bài học về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và bảo tồn những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Động vật và thực vật là nguồn cung cấp dược liệu và nhiều sản phẩm cần thiết đối với người. Nếu chúng tuyệt chủng, con người sẽ mất những nguồn sản phẩm tiềm năng”, Brown nói.